Từ chỗ nẻ, rau đắng đất mọc lên non xanh. Tía nói, càng là nơi đất thấp, có bóng râm, nhất là đất mới thì rau đắng đất lại càng mọc nhiều; cũng giống như người miền Tây quê mình, ở đâu cũng sống được vì dễ thích nghi.
Những ngày nắng hạn, tía bơi xuồng men theo triền sông đổ dớn kiếm vài con cá, dặn tôi ra sau hè hái một nắm rau đắng đất về nấu canh. Bao giờ cũng vậy, món canh dân dã đồng quê ấy là “cứu cánh” cho bữa cơm của cả nhà trong những ngày hanh khô nóng nực.
Quê tôi đất phèn, ngoài cây lúa, khó trồng được cây ăn quả. Rau màu thì cần phù sa màu mỡ, đất đai tơi xốp. Vậy mà, mặc cho đất xấu, khô cằn, cây rau đắng đất vẫn âm thầm vươn mình.
Tía tôi ưa rau đắng đất vô cùng. Và đó cũng là món ăn yêu thích của bà nội tôi hồi còn sống. Mỗi năm chỉ một mùa nên cứ đến hồi nắng hạn, cách ngày là bà nội lại cắp rổ ra sau nhà tìm hái một mớ rau đắng đất về nấu canh.
Rau rửa sạch, bắc nước cho sôi, thả cá vào, nêm nếm rồi nội cho rau đắng vào sau cùng. Chờ rau đắng xìu xuống là nội vớt ra ngay bởi nấu lâu trong nước sôi thì rau sẽ dai, mất ngon và đắng.
Bữa cơm nhà quê dọn ra, có khi chỉ là một tô canh rau đắng đất vậy mà ngon quá đỗi! Gắp thêm một miếng cá lòng tong kho mằn mặn quyện hòa để sau cùng là hậu vị ngòn ngọt của rau đắng lưu lại nơi đầu lưỡi cứ làm mình xao xuyến mãi.
Lâu dần, dư vị đó trở thành nỗi nhớ niềm thương. Như bao người con miền Tây xa quê, có khi rưng rưng nhớ nhà chỉ vì món canh rau đắng đất.
Nhiều bữa chán cơm, má tôi nhóm lửa vo gạo, làm thêm vài con cá lóc để nấu cháo, ăn kèm rau đắng đất, thơm ngon hết sẩy! Chỉ vậy mà ghiền, đi xa là nhớ. Lạ lùng thay, ăn rau đắng đất cũng khiến cho lòng người ngậm ngùi thương quê hương, bản quán./.
Theo HIỀN DƯƠNG (Báo Long An)