Bánh Samosas của Ấn Độ là loại bánh gối nhân rau củ khá phổ biến ở nhiều nước Nam Á (Ảnh: SAVEUR)
Tại sao không thử một bữa tiệc nhẹ (Finger Food Party) bên bạn bè hay người thân trong gia đình với những món ăn “chơi” kiểu Á Đông? Những món ăn vừa quen mà lạ chắc chắn giúp chúng ta vơi đi nỗi buồn phải “bó gối, chùn chân” trong quãng nghỉ của những hành trình khám phá thế giới mênh mông.
Bắt đầu bằng món cánh gà rán. Hãy tạm quên đi món cánh gà của KFC, McDonald’s hay Texas Chicken. Nếu bạn nghĩ rằng cánh gà rán là một món ăn “chơi” tinh túy chỉ có riêng của người Mỹ, thì chắc chắn bạn sẽ phải rút lại suy nghĩ này khi thưởng thức cánh gà chiên Karaage của Nhật với lớp vỏ bột mỏng giòn thoảng mùi rượu sake, hay món cánh gà rim Adobo truyền thống của Philippines. Đó chỉ là hai trong số vô vàn cách chế biến sáng tạo từ nguyên liệu cánh gà với những gia vị bản địa.
Món cánh gà rán Adobo của Philippines được biến tấu, ăn kèm với salad táo bột quế (Ảnh: SAVEUR)
Có thể kể thêm, với người Indonesia, phương pháp yêu thích là đun sôi cánh gà ngập trong nước dừa trước khi đem rán trong chảo ngập dầu. Nhờ đó, cánh gà sẽ giữ nguyên được vị ngọt và khi kết hợp với thứ sốt chấm sambal cay nồng thực sự tạo ra hương vị tuyệt vời. Và chẳng ở đâu xa, những chiếc cánh gà rán thơm lừng vị mắm tỏi kiểu Việt Nam cũng nhanh chóng kích thích vị giác ngay cả khi dạ dày đã được lấp đầy. Hay những miếng cánh gà với lớp bột mỏng giòn tan, ngọt vị mật ong và béo ngậy của lớp phô mai bột theo phong cách Hàn Quốc sẽ là món nhâm nhi tuyệt vời dù kết hợp với một cốc bia lạnh hay chỉ là ….. cốc nước lọc ngừa tăng cân.
Một bữa tiệc Finger Food theo kiểu Á sẽ mất đi phần hấp dẫn nếu không có món xiên que nướng than, và món satay (hay còn gọi là sate) là một trong những món ăn có nhiều biến tấu và khá phổ biến. Nếu ở quê hương Indonesia, món satay được làm bằng thịt gà, thịt bò hoặc thịt cừu được tẩm ướp trong nước cốt dừa, bột cumin (thìa là Ai Cập),...nướng trên than hồng thơm phức và dùng kèm với nước chấm đậu lạc, thì những phong cách biến tấu đa dạng của satay có mặt ở khắp Đông- Nam Á.
Món satay gà truyền thống của người dân Indonesia (Ảnh: SAVEUR)
Món satay tôm được người dân Singapore yêu thích (Ảnh: STEFANBLOG)
Người Singapore thích ăn satay tôm với tôm được ướp bằng nước cốt chanh, đường nâu và hạt macca xay nhuyễn. Đến miền nam Thái Lan, satay biến thể trong món địa phương “Hoi malaeng puu” thơm khó cưỡng. Hoi malaeng puu đơn giản chỉ là xiên thịt sò biển nướng có vị chua, cay, ngọt của nước me, cốt dừa, curry Thái, đường nâu, cùng nhiều loại gia vị địa phương khác.
Độ phổ biến của Satay ở Đông-Nam Á thì khỏi phải bàn. Satay đi từ góc phố lao động bình dân cho tới bàn tiệc chiêu đãi trang trọng. Thậm chí, ở Indonesia, vào năm 1920, kiến trúc sư người Hà Lan J.Gerber đã đưa hình dáng của xiên thịt nướng satay vào kiến trúc tòa nhà làm việc của cơ quan Giao thông vận tải, Công trình công cộng và Quản lý nước ở TP Bandung, và đặt luôn tên gọi “Gedung Sate” (nghĩa là Tòa nhà Sate) cho công trình. Gedung Sate hiện là trụ sở của Văn phòng của Thống đốc tỉnh Tây Java, trở thành biểu tượng của TP Bandung và là điểm tham quan không thể bỏ lỡ của bất cứ du khách nào khi đặt chân tới TP lịch sử này.
Một gánh satay truyền thống tại một góc phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia (Ảnh: TRANG LINH)
Văn phòng Thống đốc tỉnh Tây Java có kiến trúc từ món satay (Ảnh: TRANG LINH)
Nhắc tới những món khai vị của châu Á, chẳng thể nào quên món bánh bao nhân thịt hấp (dumpling). Thường thì người ta nghĩ đây là món ăn chỉ có ở Trung Quốc bởi lịch sử hơn 1.800 năm của nó. Song sự sáng tạo, khéo léo của người dân khắp châu Á đã khiến danh sách “họ hàng” của món dumpling khá dài.
Món dumpling của Trung Quốc được tạo hình cầu kỳ, hấp dẫn (Ảnh: TRANG LINH)
Món bánh Mandu nhân kim chi đặc trưng của Hàn Quốc (Ảnh: FLICKR)
Thứ đồ ăn nhẹ phổ biến này bao gồm bánh Gyoza của Nhật Bản, bánh xếp Mandu của Hàn Quốc, bánh Samosas giàu hương vị của Ấn Độ, bánh Pun sip của Thái Lan, hay bánh Bột lọc, bánh gối của Việt Nam,… Cho dù là nhân thịt bò, thịt lợn, hay hải sản, chúng đều có các phiên bản hấp, luộc, hay chiên vàng và là món ăn nhẹ dễ dàng được nghĩ tới trong bất cứ khoảng thời gian nào.
Thực đơn Finger Food có vẻ chưa thật phong cách nếu thiếu các món cuốn. Đó là thứ đồ ăn dễ dàng cắt nhỏ, không cần trang trí cầu kỳ mà vẫn giữ được hương thơm quyến rũ. Có lẽ không quá khi nói Việt Nam là “thiên đường” của các loại cuốn với sự đa dạng thể hiện ở từng vùng miền. Từ món cuốn tươi tôm, thịt, trứng và bún được xếp khéo léo gọn trong sợi hành chần hay bên trong tấm bánh đa gạo để chấm với nước mắm chua ngọt, nước lèo béo ngậy cho đến món nem rán truyền thống được bạn bè nước ngoài vô cùng yêu thích.
Món Lumpia được ưa chuộng ở Philippines và nhiều nước Đông-Nam Á (Ảnh: SAVEUR)
Nem cuốn tươi của Việt Nam có vị thanh mát, là món khai vị hoàn hảo cho mọi bữa tiệc (Ảnh: FLICKR)
Ngoài Việt Nam, sự hiện diện của món cuốn cũng phổ biến khắp lục địa châu Á. Ở Philippines, Indonesia và nhiều nước Đông-Nam Á khác, người dân ưa thích món cuốn Lumpia chiên giòn. Lumpia được làm bằng vỏ bánh bột mỳ mỏng như giấy hoặc crepe có nhân mặn hoặc ngọt. Bởi vì thế, Lumpia có mặt từ những xe hàng rong trên phố cho tới những bữa tiệc đông người theo hàng trăm phiên bản khác nhau. Còn trong quan niệm của người Trung Quốc, món cuốn nhân rau thịt hình trụ được vàng ruộm giống như các thỏi vàng, là món ăn tượng trưng cho sự giàu có trong những bữa tiệc chào đón năm mới.
Bữa tiệc nào cũng phải kết thúc bằng món tráng miệng ngọt. Và chẳng có gì hợp lý hơn những món bánh gạo đậm chất Á Đông trong bữa tiệc Finger Food. Chiếc bánh nếp Wagashi của đất nước “Mặt Trời Mọc” là một loại bánh giầy nhân ngọt truyền thống làm từ bột gạo nếp. Hơn hết, dưới bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân, Wagashi không đơn thuần chỉ là món tráng miệng mà thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Trong các gia đình Nhật Bản nhân dịp năm mới, Tết Trung Thu, trong những ngày lễ quan trọng, bánh Wagashi là vật phẩm không thể thiếu để dâng lên tổ tiên và thần linh, cầu nguyện cho sự trường thọ và may mắn.
Bánh nếp Wagashi của Nhật Bản được nâng lên tầm nghệ thuật (Ảnh: FLICKR)
Cũng giống như bánh gạo Wagashi, bánh gạo Songpyeon của Hàn Quốc cũng là một trong những món ăn đặc trưng của ngày Tết Chuseok (Tết Trung thu). Bánh Songpyeon được làm bằng bột nếp hình nửa mặt trăng và có rất nhiều hương vị khác nhau như đậu đỏ, đậu nành, vừng…. và hấp với lá thông tươi. Ngày nay, trong cuộc sống thường ngày, các món bánh gạo được tạo hình đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi và các nhu cầu khác nhau. Thưởng thức món bánh gạo cùng một tách trà sau buổi tiệc là cách kết thúc khá nhẹ nhàng.
Lukchup, món bánh ngọt ngào nhiều màu sắc của đất nước "Chùa Vàng" (Ảnh: TRANG LINH)
Nếu muốn buổi tiệc Finger Food ngọt ngào và ấn tượng hơn, đừng bỏ qua món bánh đậu xanh hoa quả Lukchup của Thái Lan. Trong lần “gặp gỡ” đầu với món Lukchup, chắc chắn bất cứ ai cũng ngỡ rằng sẽ được thưởng thức một đĩa trái cây nhiệt đới nhỏ xinh hân hoan sắc màu. Thế mới thấy sự khéo léo của người tạo ra món ăn bình dân mà tinh tế của đất nước “Chùa Vàng” dù nguyên liệu đơn giản chỉ là đậu xanh, cốt dừa, đường, thạch rau câu và màu thực phẩm.
Câu chuyện của buổi tiệc nhỏ sẽ thêm hương vị nếu có thêm những tách trà sữa Masala của Ấn Độ (Masala Chai). Nhắc tới trà sữa, mọi người chỉ quen với những cốc trà sữa ngập trân châu kiểu Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng hãy thử Masala Chai, bạn sẽ nhanh chóng “bị nhớ nhung” hương vị đặc biệt, nồng ấm vừa giúp tinh thần sảng khoái, vừa tốt cho sức khỏe đặc biệt là hệ tiêu hóa.
Masala Chai là sự kết hợp không thể tinh tế hơn của loại trà đen Assam trứ danh của Ấn Độ được ủ với gừng và các loại gia vị khác như thảo quả, đinh hương, nhục đậu khấu, quế, thìa là. Đôi khi, theo từng vùng ở Ấn Độ, người ta có thêm hoa hồi, hạt rau mùi và hạt tiêu đen vào trong thành phần của trà.
Masala Chai, món trà sữa ấm nồng của Ấn Độ đã được cải tiến đóng trong các túi lọc (Ảnh: TRANG LINH)
Không giống như trà thông thường được pha với nước nóng, Masala Chai được nấu cô bằng cách ninh lửa nhỏ hoặc nấu sôi hỗn hợp sữa và nước với trà được làm tơi, chất làm ngọt và tất cả các gia vị khác. Phần trà đặc và cặn bã sẽ được lọc khỏi Masala Chai trước khi thưởng thức. Thoạt nghe cách pha chế có vẻ cầu kỳ dễ gây nản nhưng đừng lo, ngày nay Masala Chai đã được cải tiến, đóng trong các túi lọc. Bạn chỉ cần nhúng nước sôi và đổ sữa đặc theo vị tùy thích.
Thế giới đồ ăn nhẹ của châu Á còn vô vàn điều thú vị để khám phá, là nguồn cảm hứng bất tận của những tín đồ ẩm thực trên khắp thế giới. Không đơn thuần chỉ là món ăn vặt, mỗi món ăn là cả một câu chuyện về văn hóa của mỗi vùng đất và hơn cả, đó còn là sự gắn kết của truyền thống Á Đông.
Theo TRANG LINH (Báo Nhân Dân)