Tiếp động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

12/08/2022 - 07:37

 - Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), tạo việc làm cho lao động địa phương. Hỗ trợ thiết thực để DN nhỏ và vừa phát triển chính là tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh An Giang.

Những con số đáng quan tâm

Ngày 4/8/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã ký Quyết định 1965/QĐ-UBND ban hành Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa tỉnh An Giang đến năm 2025. Đây là việc làm cần thiết nhằm đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tạo động lực phát triển DN, khuyến khích DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Thực tế thời gian qua, với phương châm đồng hành cùng DN, An Giang luôn luôn xem cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Qua đó, số lượng DN đăng ký thành lập liên tục tăng. Nếu cuối tháng 12/2016, số DN đăng ký trên địa bàn An Giang là 7.800 DN, thì đến tháng 6/2022, số lượng DN đăng ký tăng lên 11.879 DN (tăng 4.079 DN), tổng vốn đăng ký 78.290 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/1/2022, tại An Giang, có 6.751 DN và 3.520 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 71.556 tỷ đồng.

Mặc dù số DN lớn nhưng so với các tỉnh ĐBSCL, tốc độ tăng số DN thành lập mới bình quân giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn 2014-2015 rất thấp (đạt 21,7%), chỉ cao hơn duy nhất tỉnh Cà Mau (13,2%) và thấp hơn so bình quân cả nước (51,3%). Theo Sách trắng DN Việt Nam năm 2021, mật độ DN đang hoạt động bình quân trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động của An Giang chỉ đạt 5,4, thấp hơn rất nhiều nếu so với TP. Cần Thơ (14,2), vùng ĐBSCL (6,93).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, nhìn từ thực trạng trên, có thể thấy các chính sách hỗ trợ và phát triển DN của tỉnh hiện chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân thành lập DN; số DN mặc dù có tăng qua từng năm nhưng so với mức trung bình của cả nước vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, các chính sách hiện tại chưa hỗ trợ nhiều đến các DN mới thành lập, giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định phát triển.

Với định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng nhanh và bền vững, Đảng bộ tỉnh An Giang luôn xác định kinh tế tư nhân và DN, trong đó DN nhỏ và vừa đóng vai trò chủ yếu, là động lực quan trọng trong quá trình phát triển KTXH của tỉnh. Quan điểm này được xác định trong Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Do vậy, việc xây dựng, ban hành và triển khai Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa tỉnh An Giang đến năm 2025 là rất cần thiết.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Việc triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa tỉnh An Giang nhằm phát huy vai trò kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các DN nhỏ và vừa đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển KTXH của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của tỉnh. Qua đó, phấn đấu tổng điểm PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của An Giang được xác định thuộc nhóm điều hành “Tốt” so với cả nước.

Đến năm 2025, tỉnh xác định 3 mục tiêu lớn, là: Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và ổn định để các DN hoạt động và phát triển; nâng cao năng lực của DN nhỏ và vừa; thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN, thúc đẩy DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và kinh doanh bền vững.

Theo đó, đối với hỗ trợ về tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán, có ít nhất 400 lượt tư vấn hỗ trợ tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán cho DN nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên. Đối với hỗ trợ mở rộng thị trường, có trên 400 lượt tư vấn hỗ trợ DN nhỏ và vừa xây dựng, quảng bá, phát triển sản phẩm cho DN thông qua mạng lưới tư vấn viên; tổ chức được 10 lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền, hướng dẫn khai thác công cụ thương mại điện tử, kết nối thị trường quốc tế.

Đối với hỗ trợ thông tin và chính sách, thực hiện trên 400 bài viết, video, infographic cung cấp thông tin, chính sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu của trên 5.000 DN (kể cả DN lớn, dẫn dắt) đang hoạt động trên nền tảng Bản đồ số DN.

Đến năm 2025, tỉnh tổ chức ít nhất 50 lớp nâng cao năng lực quản lý và chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa; đào tạo nghề sơ cấp và nâng cao năng lực cho 2.000 lao động của DN nhỏ và vừa, giúp cho người lao động có thu nhập cao hơn ít nhất 7% so với người chưa qua đào tạo. Đối với hỗ trợ công nghệ cho DN nhỏ và vừa, thực hiện trên 400 lượt tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa để nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, quy trình công nghệ trong DN và chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Đối với hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ trên 100 lượt sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ ít nhất 300 lượt tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Hỗ trợ trên 400 lượt DN nhỏ và vừa thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hơn 80 lượt DN nhỏ và vừa được hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ ít nhất 500 lượt DN nhỏ và vừa về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức trên 10 hội thảo, tọa đàm đối thoại giữa chính quyền, DN với cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp…

Đến hết năm 2025, phấn đấu có trên 15.000 DN đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó mỗi năm có từ 30-50 hộ kinh doanh chuyển thành DN.

NGÔ CHUẨN