Tiếp tay cho kẻ gian, 3 đối tượng lãnh án

28/06/2023 - 05:31

 - Sau thời gian xuất khẩu lao động ở Malaysia, Bùi Thị Thu Lan (sinh năm 1990, ngụ phường 8, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cấu kết với đối tượng lạ ở Malaysia để khi về Việt Nam, Lan cùng Huỳnh Vũ Bằng (sinh năm 1978, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) và Nguyễn Trọng Trung (sinh năm 1995, ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) mở nhiều tài khoản ngân hàng cho đối tượng lạ mặt thuê nhằm chiếm đoạt tài sản của Lê Thị Tâm Uyên (sinh năm 1969, ngụ TP. Long Xuyên, An Giang). Hậu quả, cả 3 đối tượng đều lãnh án phạt tù.

Ngày 21/3/2020, Uyên nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại lạ của nhóm đối tượng giả danh Công an TP. Đà Nẵng, đe dọa Uyên có lệnh bắt vì liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu Uyên mua 1 điện thoại thông minh, tải và cài đặt phần mềm VN84App (phần mềm gián điệp, giả mạo trang tin điện tử Bộ Công an) để liên lạc.

Ngày 23/3/2020, các đối tượng tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu Uyên mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), nộp vào tài khoản 1,2 tỷ đồng, rồi cung cấp tất cả thông tin tài khoản (số điện thoại đăng ký, họ và tên, chứng minh nhân dân, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP) vào phần mềm VN84App. Do sợ bị bắt, Uyên làm theo yêu cầu của các đối tượng.

Khi nhận được các thông tin do Uyên đăng nhập, nhóm đối tượng rút tiền trong tài khoản của Uyên bằng hình thức chuyển khoản Internet Banking 4 lần, với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng đến số tài khoản của Trung, mở tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Chợ Lớn, TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, Uyên phát hiện bị lừa đảo nên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang trình báo sự việc.

3 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định năm 2017, Lan xuất khẩu lao động sang Malaysia và quen biết với A Lùn (tên gọi khác là A Long, quốc tịch Malaysia, không xác định địa chỉ cụ thể) và Lan được A Lùn gợi ý khi về Việt Nam tìm người mở nhiều tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ Internet Banking đưa cho A Lùn để sử dụng vào việc kinh doanh tiền ảo, mỗi tài khoản A Lùn trả cho Lan 1,7 triệu đồng/tháng.

Đến tháng 9/2019, Lan về Việt Nam mở 6 tài khoản ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai giao cho A Lùn. Lúc đầu, Lan chưa biết A Lùn dùng những tài khoản này để chuyển tiền bất hợp pháp mà có. Nhưng dần dần về sau, số lượng tài khoản mở nhiều (96 tài khoản) và có lần A Lùn chuyển trên 5 tỷ đồng vào tài khoản của Lan và người thân của Lan tại Việt Nam để Lan rút giao A Lùn. Lúc này, Lan mới nhận thức và biết được việc A Lùn dùng những tài khoản trên để chuyển dòng tiền bất hợp pháp mà có. Song do hám lợi nên Lan vẫn tìm nhiều người mở tài khoản để giao cho A Lùn, trong đó có Bằng.

Trong thời gian này, Lan bàn bạc kêu Bằng mở và tìm nhiều người mở tài khoản đưa cho Lan, được trả 1,5 triệu đồng/1 tài khoản/tháng. Bằng nhận thức được Lan dùng những tài khoản này để chuyển dòng tiền bất hợp pháp mà có nên Bằng đã sử dụng giấy chứng minh nhân dân tên Phạm Hữu Qui (sinh năm 1984, ngụ thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên) mà Bằng có trước đó do trong thời gian ở chung phòng trọ với Qui.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan bảo vệ pháp luật, Bằng dùng chứng minh nhân dân của Qui nhưng dán hình của Bằng vào để khi đi mở tài khoản nhân viên ngân hàng không phát hiện. Với cách thức này, Bằng mở 13 tài khoản tại các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để giao cho Lan. Trong khi đó, Qui đã chết vào ngày 29/11/2019 mà tài khoản đứng tên Phạm Hữu Qui vẫn được mở vào ngày 3/12/2019.

Ngoài ra, Bằng còn kêu Huỳnh Hữu Hận (sinh năm 1998, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đang tạm giam tại tỉnh Quảng Nam mở hơn 20 tài khoản đứng tên Hận và người quen đưa cho Lan để được hưởng lợi bất chính khoảng 130 triệu đồng. Trong đó, tài khoản tên Qui, là tài khoản trực tiếp nhận hơn 1,1 tỷ đồng chiếm đoạt được của Uyên.

Trong khoảng tháng 2/2020, thông qua mạng xã hội, Lan quen biết với Lê Thị Trường Vuy (sinh năm 1990, ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và gợi ý Vuy mở 8 tài khoản và kêu Trung (em chồng của Vuy) mở 9 tài khoản đưa cho Lan, mỗi tháng Lan trả 1,5 triệu đồng/1 tài khoản. Khi mở tài khoản đưa cho Lan, Vuy và Trung đều nhận thức được Lan dùng những tài khoản này để chuyển dòng tiền bất hợp pháp mà có, nhưng do hám lợi nên Vuy và Trung vẫn mở nhiều tài khoản đưa cho Lan và được Lan trả 77 triệu đồng (Trung được hưởng hơn 20 triệu đồng). Kết quả xác minh dòng tiền chiếm đoạt tiền của Uyên được chuyển đến số tài khoản của Trung, Qui… Số tiền này được thanh toán trả tiền mua Bitcoin cho nhiều tài khoản khác.

Căn cứ kết quả điều tra, thu thập chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang kết luận đây là vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền”, có tổ chức, mang tính quốc tế do A Lùn (quốc tịch Malaysia) cấu kết với Lan điều hành, thực hiện hành vi rửa tiền. Do A Lùn đang ở Malaysia nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an và các bộ phận nghiệp vụ có liên quan xác minh, truy bắt A Lùn để xử lý theo luật định.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo thừa nhận hoàn toàn hành vi sai trái của mình khi tiếp tay cho đối tượng A Lùn phạm tội. Kết thúc phiên xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định xử phạt bị cáo Lan 13 năm tù; Bằng 11 năm tù và Trung 10 năm tù. Buộc bị cáo Lan, Bằng nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

NGUYỄN HƯNG