Tiếp tục bình ổn giá nhiều mặt hàng

09/02/2022 - 05:06

 - Bộ Công thương vừa trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Các ý kiến liên quan đến việc xem xét giảm giá điện, bình ổn giá xăng dầu, phân bón để giúp người dân, doanh nghiệp (DN) phục hồi sau đại dịch.

Về giảm giá điện, tiền điện

Bộ Công thương nhận được ý kiến của các cơ quan, đơn vị kiến nghị tiếp tục giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng. Bộ Công thương đã xem xét, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống của người dân, cơ sở lưu trú du lịch, DN sản xuất - kinh doanh (SXKD), cũng như xem xét hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch là cơ sở cách ly y tế tập trung trên cả nước.

Trên cơ sở khả năng cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giảm giá điện, giảm tiền điện 5 đợt, tổng số tiền hỗ trợ giảm hơn 16.650 tỷ đồng.

Cụ thể, đợt 1 thực hiện trong 3 tháng (từ ngày 16-4 đến hết ngày 16-7-2020) cho hơn 27 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, SXKD, cơ sở lưu trú và cơ sở cách ly y tế, tổng số tiền giảm khoảng 9.300 tỷ đồng. Đợt 2 thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12-2020) cho khoảng 25,4 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, cơ sở lưu trú, kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông và cơ sở cách ly y tế, tổng số tiền giảm gần 3.000 tỷ đồng. Đợt 3 thực hiện trong 7 tháng (từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến tháng 12-2021) cho cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, ước tính tổng số tiền hỗ trợ khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng.

Đợt 4 thực hiện trong 2 tháng (kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8, 9-2021) cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, cơ sở cách ly y tế người nghi nhiễm COVID-19 (có thu một phần chi phí) cũng được hỗ trợ giảm 100% tiền điện, từ kỳ hóa đơn tháng 6 đến tháng 12-2021, tổng số tiền gần 2.500 tỷ đồng.

Đợt 5 thực hiện trong 3 tháng (từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9 đến hết tháng 11-2021) cho nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đang duy trì sản xuất tại thời điểm ngày 25-8-2021 thuộc DN chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; DN chế biến và bảo quản rau quả, DN sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD. Tổng số tiền giảm gần 650 tỷ đồng.

Về bình ổn giá xăng dầu

Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước luôn được Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động SXKD của DN, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Thời gian qua, Bộ Công thương và Bộ Tài chính liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 11-2021, chi hơn 9.000 tỷ đồng, nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, hoặc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Bình ổn giá xăng dầu

Thông qua việc sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, mặc dù giá một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) cuối tháng 11-2021 tăng từ 45% đến hơn 65% so với đầu năm 2021, nhưng giá bán xăng dầu trong nước cuối tháng 11-2021 chỉ tăng 34-48,7%.

Về bình ổn giá phân bón

Đây là vấn đề mà Bộ Công thương chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời đề xuất, áp dụng, nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics do giãn cách xã hội tăng cao. Mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên, vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế, đã làm tăng giá thành sản phẩm. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao đo đứt gãy chuỗi cung ứng.

Để bình ổn giá mặt hàng này, Bộ Công thương đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và DN sản xuất phân bón lớn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho, kiểm soát kênh phân phối, tiết giảm chi phí sản xuất, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước với giá hợp lý, định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón.

Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt biến động giá cả trong nước và thế giới, việc cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón, nhằm cung ứng tối đa cho thị trường nội địa... Nguồn cung phân bón (đối với các loại phân bón cơ bản, như: Ure, NPK...) hiện vẫn được đảm bảo, giá bán biến động theo quy luật thị trường và không xảy ra tình trạng “thiếu hàng, sốt giá” hoặc “găm hàng, chờ tăng giá”...

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như đã làm thời gian qua, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là chương trình bình ổn thị trường.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng giá tăng - giảm bất hợp lý. Tăng cường thanh, kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT.

K.N