Theo dự thảo mới nhất, quy định giảm năm đóng BHXH (tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm) không áp dụng đối với trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi. Các trường hợp này, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị giảm 2% lương hưu. Nếu áp dụng giảm năm đóng với nhóm này sẽ dẫn đến tỷ lệ hưởng lương hưu của họ rất thấp. Ví dụ, lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi sẽ bị trừ 10%, tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%...
5 quyền lợi mới được đề xuất, bao gồm: Khi đủ tuổi nghỉ hưu (nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH để nhận lương hưu hàng tháng, chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội), NLĐ sẽ được lựa chọn nhận BHXH 1 lần, hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng, hoặc đóng bù 1 lần cho số năm còn thiếu để nhận lương hưu. Điểm mới này nhằm bao phủ chế độ cho người hết tuổi lao động.
Vì theo quy định hiện hành, khi đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ tối thiểu 20 năm đóng BHXH, sẽ chỉ có 2 lựa chọn: Nhận BHXH 1 lần, hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu để nhận lương hưu (đóng bù tối đa 10 năm). Trong suốt thời gian hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng, người hưởng chế độ được ngân sách Nhà nước đảm bảo chi phí đóng BHYT.
Sau 12 tháng nghỉ việc và không nhận BHXH 1 lần, NLĐ được nhận BHYT miễn phí từ Quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của NLĐ (số tiền và thời gian đã đóng BHXH vẫn được bảo toàn). Trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm, không rút BHXH 1 lần, NLĐ được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng, nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Theo thống kê của cơ quan BHXH, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH 2014, trên 476.000 người hưởng BHXH 1 lần ở độ tuổi từ 40 trở lên, có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm; trên 53.000 người hết tuổi lao động nhận BHXH 1 lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng, phải đóng 1 lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
Từ 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống còn 75 tuổi. Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm, những người này khó có cơ hội để nhận lương hưu.
Chính phủ đánh giá, lương hưu của họ có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài, nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau. Cho dù mức lương hưu hàng tháng của nhóm này có thể ít hơn những người có thời gian đóng dài, song mang tính ổn định, định kỳ sẽ được Nhà nước điều chỉnh. Trong thời gian hưởng lương hưu, họ còn được Quỹ BHXH đóng BHYT, góp phần đảm bảo tốt hơn cho cuộc sống khi về già.
Bộ luật Lao động 2019 quy định, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so quy định.
Thống kê cho thấy, hiện tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu (hơn 5,1 triệu người). Trong đó, trên 1,8 triệu người 80 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; khoảng 63.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; trên 2,7 triệu người đang hưởng lương hưu. Vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo nghị quyết về cải cách BHXH, thực sự là một thách thức lớn. Chính phủ đề xuất trợ cấp hưu trí xã hội được quy định ở Luật Người cao tuổi vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi, để tạo sự liên kết đồng bộ, hỗ trợ người cao tuổi khi hết tuổi lao động. Dự thảo luật sẽ hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi có nguồn lực vật chất xoay sở cho cuộc sống.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, NLĐ có thời gian đóng BHXH 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay, nếu không rút 1 lần mà chọn hưởng trợ cấp hàng tháng, có thể được hưởng trợ cấp với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội (dự kiến 500.000 đồng) ngay từ khi đủ tuổi hưu, thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
N.R