Tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

18/07/2023 - 08:13

Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII cũng xác định nền ngoại giao toàn diện, hiện đại gồm ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Hội nghị đối ngoại toàn quốc xác định phương hướng thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XIII. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Nhiệm vụ của đối ngoại là phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Các kết quả đạt được càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới trải qua nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp.

Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện lịch sử, với phương thức mới và mang ý nghĩa lâu dài, sâu sắc trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại.

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Đồng chí Tổng Bí thư đã đúc kết truyền thống đối ngoại của dân tộc, những tư tưởng, nguyên tắc, quan điểm lớn về đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Đồng chí nêu rõ: Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Đó là "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" và "Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường".

Về những phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, "Chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương". Theo đó, "phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới… trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn".

Đầu năm 2023, Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 34-NQ/TW về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Đây là nghị quyết toàn diện đầu tiên của Bộ Chính trị về đối ngoại kể từ Nghị quyết số 13 (khóa VI) tháng 5/1988.

Bên cạnh đó là các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc phát triển, nâng cấp quan hệ với một số đối tác quan trọng và trong nhiều lĩnh vực, như đối ngoại đảng đến năm 2025, ngoại giao kinh tế, bảo đảm an ninh trong hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại, đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai ngày càng đồng bộ theo hướng Bộ Chính trị đã xác định. Theo đó, đối ngoại đảng giữ vai trò nòng cốt trong định hướng chiến lược, chủ trương, đường lối đối ngoại; phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Đảng với các chính đảng, góp phần xây dựng, củng cố nền tảng chính trị, tạo thuận lợi cho quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác.

Ngoại giao nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong thể chế hóa, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng. Đối ngoại nhân dân đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, xây dựng nền tảng xã hội tích cực và thuận lợi cho quan hệ của Việt Nam với các nước. Đối ngoại cũng gắn kết chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, kinh tế và văn hóa.

Từ sau Đại hội XIII đến đầu tháng 7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì, tham gia gần 100 hoạt động đối ngoại. Công tác đối ngoại của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được triển khai hiệu quả. Cùng với các hoạt động đối ngoại cụ thể, các tổ chức đối ngoại nhân dân nỗ lực xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động lâu dài, phù hợp với những thay đổi trên trường quốc tế và những nhiệm vụ mới đặt ra.

Về nhiệm vụ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, Việt Nam chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động thể hiện sự ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với các nước láng giềng.

Theo đó, trong quan hệ giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và Trung Quốc, sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị được nâng cao; hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo có những phát triển mới; hợp tác quốc phòng, an ninh phát huy vai trò là trụ cột. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á được quan tâm thúc đẩy.

Theo đó, hợp tác quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục đều được tăng cường và có những bước phát triển mới. Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ với các nước lớn và các đối tác quan trọng.

Các chuyến thăm, trao đổi cấp cao và các cấp góp phần duy trì và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với Nga và Mỹ. Quan hệ với các nước thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, các nước có thế mạnh hợp tác chuyên ngành như Thụy Sĩ, Bỉ và Phần Lan được đẩy mạnh. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước bạn bè, đối tác truyền thống, như Cuba và Triều Tiên, tiếp tục phát triển. Việc thúc đẩy quan hệ của Đảng ta với các đảng cầm quyền, tham chính góp phần tăng cường quan hệ với nhiều nước ở Đông Âu, Mỹ Latin và châu Phi.

Ý nghĩa thực chất và hiệu quả của các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác truyền thống đều được nâng cao, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nâng cao vị trí của mỗi bên trong chính sách đối ngoại và phát triển của nhau. Những kết quả tích cực này góp phần củng cố môi trường hòa bình, an ninh, đồng thời tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ giữa Việt Nam với các đối tác trong tình hình mới.

Thực hiện chủ trương của Đại hội XIII về nâng tầm đối ngoại đa phương, các hoạt động trong lĩnh vực này tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và vị thế, tâm thế mới của Việt Nam. Nổi bật là việc Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ hai năm là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; được bầu vào một số cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc, như Đại hội đồng, Hội đồng Nhân quyền và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO).

Việt Nam cùng các nước ASEAN duy trì đoàn kết, giải quyết các vấn đề phức tạp mới đặt ra, xây dựng tầm nhìn mới, phát triển quan hệ với các đối tác, nâng cao vai trò của Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA); phát huy vai trò của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác Mê Công.

Sự tham gia của Việt Nam trong các nỗ lực chung nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đảng ta tham gia, đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương chính đảng như Cuộc gặp quốc tế giữa các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP), Diễn đàn Sao Paulo, Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP)... Việt Nam là nước chủ nhà đồng tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng hòa bình thế giới. Các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của Việt Nam tham gia nhiều hoạt động đa phương quốc tế, qua đó thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và huy động tri thức, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Trong tổng thể các hoạt động đối ngoại, Việt Nam cùng các nước láng giềng quản lý tốt, duy trì đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị và phát triển; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển, nỗ lực thúc đẩy hợp tác, đàm phán phân định biển, trong đó có việc hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia.

Sự phát triển tích cực trong quan hệ song phương, đa phương tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Trong kiểm soát đại dịch Covid-19, Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đồng thời có những đóng góp với nhiều nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Công tác thông tin đối ngoại được triển khai tích cực, hiệu quả, có chất lượng ngày càng tốt trong đổi mới phương thức thông tin và đấu tranh với các thông tin sai trái. Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới và triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm giúp người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại, đồng thời tạo điều kiện để họ sinh sống, học tập và làm việc tại quê hương.

Cùng với những thành tựu đạt được, thực tế triển khai công tác đối ngoại cũng cho thấy những hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, như cần bảo đảm tốt hơn khả năng phát hiện, đánh giá những xu thế, diễn biến mới và kiến nghị, đề xuất trong công tác nghiên cứu, tham mưu, tranh thủ tốt hơn các quan hệ đối ngoại song phương và đa phương, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại.

Những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Kết quả đạt được về đối ngoại gắn liền với thực lực các mặt ngày càng tăng của đất nước và thành quả trực tiếp từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một yếu tố đóng góp quan trọng vào thành quả này là sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế.

Những kết quả đạt được là cơ sở quan trọng để công tác đối ngoại tiếp tục góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối nhiệm kỳ như Hội nghị giữa nhiệm kỳ đã xác định, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Nhân Dân