Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

15/08/2019 - 07:43

 - Sau 3 năm triển khai thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ), các quy định của luật dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới đời sống HNGĐ của người dân, ổn định nền tảng quan hệ xã hội, các quan hệ khác có liên quan.

Nhiều ưu điểm, tiến bộ

Luật HNGĐ 2014 đã góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ HNGĐ tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Các văn bản có liên quan đóng vai trò tích cực, bảo đảm tính cụ thể và khả thi của các quy định luật trong cuộc sống, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật; quyền, nghĩa vụ của người dân về HNGĐ được thực hiện và bảo vệ tốt hơn.

Luật HNGĐ 2014 được đánh giá có nhiều điểm tiến bộ hơn, như quy định về tăng độ tuổi kết hôn; không cấm nhưng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; quyền thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cũng như yêu cầu về bình đẳng giữa nam và nữ; cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo...

Ngoài ra, một số quy định khác thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc, như: thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả 2 vợ chồng mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn như trước đây, thì luật đã cho phép cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần, hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (theo Điều 51). Có thể thấy, đây là sự hỗ trợ cần thiết được quy định để “giải thoát” khỏi hôn nhân không hạnh phúc. Hay những quy định về việc áp dụng tập quán trong HNGĐ: chỉ được áp dụng tập quán trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận, nhưng không được trái với các nguyên tắc, vi phạm các điều cấm của luật.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

Tuyên truyền, phổ biến Luật HNGĐ trong một hội thi

Cần giải quyết các bất cập trong thực tiễn thi hành luật

Theo UBND tỉnh, thực tiễn cho thấy, việc áp dụng luật gặp khó khăn trong công tác kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với các tội phạm vi phạm chế độ HNGĐ. Điển hình như, phần lớn vụ án đưa ra xét xử tranh chấp ly hôn đều vắng mặt bị đơn tại tòa (do bị đơn đi khỏi địa phương, hoàn toàn không biết việc mình đang bị vợ/chồng khởi kiện ly hôn tại tòa...). Việc cấp dưỡng nuôi con chung sau ly hôn chưa đảm bảo quyền lợi, nhu cầu thiết yếu của con chung (với mức cấp dưỡng bằng ½ tháng lương cơ bản theo quy định)...

Quá trình xét xử tại Tòa án nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Khoản 2, Điều 37 Luật HNGĐ quy định, vợ chồng có trách nhiệm cùng thực hiện nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Chưa có hướng dẫn cụ thể về căn cứ xác định “đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”, nên gây khó khăn khi áp dụng thực tế. Thông thường, khi có tranh chấp về nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên vợ hoặc chồng xác lập, thì bên còn lại (hoặc cả 2) xác định bên còn lại không biết, xác định đó là nghĩa vụ riêng của bên trực tiếp xác lập giao dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, bên không xác lập giao dịch hoặc cả 2 vợ chồng đều không chứng minh đó là nghĩa vụ riêng.

Bên cạnh đó là khó khăn về quyền yêu cầu ly hôn theo Điều 51, bởi khó xác định người đại diện, cử người đại diện trong vụ án ly hôn với một bên mắc bệnh tâm thần. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ giải quyết các vụ việc HNGĐ khi “xét thấy cần thiết” chưa được hướng dẫn cụ thể. Vai trò quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em của một số cơ quan chức năng chưa được thể hiện rõ (không nắm được thông tin, không trả lời...). Vì thế, để thu thập được thông tin về mâu thuẫn vợ chồng, việc chăm sóc trẻ em, thông thường, tòa án phải đến xác minh đại diện ban khóm, ấp hoặc tổ trưởng tổ dân phố. Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng cũng được xem là một nội dung nan giải.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, sơ kết 3 năm thi hành Luật HNGĐ năm 2014, sau khi lắng nghe các ngành, địa phương thảo luận, đánh giá những tác động tích cực, nhận diện những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thi hành luật, Bộ Tư pháp đề xuất: các bộ, ngành, địa phương và tổ chức tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa đầy đủ quy định, nội dung của luật. Các cấp có thẩm quyền rà soát, nghiên cứu những vấn đề bất cập, vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung; các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong phạm vi chức năng, thẩm quyền cần kịp thời có những hướng dẫn để cụ thể hóa quy định của luật và các văn bản hướng dẫn của luật.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG