Tiếp tục rà soát, sàng lọc “bóc tách" F0, đẩy lùi dịch bệnh để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân

23/08/2021 - 20:25

 - Chiều 23-8, Thường trực Tỉnh ủy An Giang tổ chức buổi làm việc trực tuyến với các đơn vị, địa phương để đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Nưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến 8 giờ, ngày 23-8, trên địa bàn tỉnh An Giang có tổng số 1.446 trường hợp nhiễm COVID-19 (có 3 trường hợp tái dương tính). Trong đó, có 564 trường hợp trong cộng đồng, 362 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 520 trường hợp trong khu cách ly tập trung (trong đó, 71 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay). Đã điều trị khỏi 441 trường hợp. Lũy kế đến ngày 22-8, toàn tỉnh có 91.470 trường hợp vi phạm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền phạt trên 5,8 tỷ đồng. 

UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện thật nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại từng địa phương, đơn vị theo nguyên tắc cao hơn, sớm hơn. Tận dụng tối đa khoảng thời gian còn lại của giãn cách, có kế hoạch xét nghiệm, tầm soát thần tốc theo bản đồ dịch của từng địa phương, với mục tiêu sớm “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, dập dịch. Tại các vùng phong tỏa phải có giải pháp kiểm soát chặt từng hộ dân, tránh phong tỏa hình thức, “chặt ngoài lỏng trong”.

Để có biện pháp hành chính tương ứng kiểm soát dịch tại mỗi địa phương, An Giang đã thực hiện đánh giá mức độ nguy cơ cao theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG. Theo đó, tính đến ngày 18-8, trên địa bàn tỉnh có 2 huyện: Châu Thành và An Phú được đánh giá nguy cơ rất cao; 5 huyện, thành phố: Chợ Mới, Tịnh Biên, Thoại Sơn, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên được đánh giá nguy cơ cao; 3 huyện, thị xã: Châu Phú, Tri Tôn và TX. Tân Châu được đánh giá nguy cơ; huyện Phú Tân được đánh giá bình thường mới.

Sau khi nghe lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh tại địa phương mình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, các địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch của UBND tỉnh, đảm bảo thực hiện 2 mục tiêu: rà soát bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát dịch trên địa bàn. Qua công tác sàng lọc, bước đầu đã tách được một lượng F0 ra khỏi cộng đồng. Do đó, trong thời gian tiếp theo, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, sàng lọc “bóc tách” F0, đồng thời thực hiện khoanh vùng, truy vết cách ly các trường hợp tiếp xúc F0.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, trong điều kiện chống dịch như hiện nay, trang thiết bị y tế rất quan trọng, nên  Sở Y tế phải chủ động tham mưu, tuyệt đối không để thiếu các trang thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch và thực hiện việc rà soát, sàng lọc F0 trong cộng đồng. Đồng thời, phải phối hợp lực lượng công an khảo sát các nhà nghỉ, khách sạn… đảm bảo đủ điều kiện để chuẩn bị thành các điểm thực hiện cách ly tập trung theo yêu cầu F1 và thu dung điều trị F0. Bên cạnh đó, phải phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine đúng quy định.

Đối với công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đối tượng người già, có bệnh nền là đối tượng khi nhiễm bệnh COVID-19 sẽ rất nguy hiểm, dễ chuyển biến nặng, các địa phương cần thông qua các tổ dân phố nắm rõ số lượng người cao tuổi tại địa bàn mình và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Trong công tác truy vết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để nhận định, đánh giá phân loại F1 theo mức độ nguy cơ cao và nguy cơ thấp hơn để bố trí cách ly phù hợp, tránh lây nhiễm chéo.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhận định, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh An Giang đã đồng lòng, vào cuộc quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bên cạnh đó, còn có sự ủng hộ của nhân dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đã có những nhận định, đề xuất phù hợp với tình hình địa phương mình. Đây là những căn cứ để Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh có những đánh giá cân nhắc quyết định việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Hồng Quang nhấn mạnh, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, từ nay đến ngày 25-8, lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục kiểm soát, quản lý chặt địa bàn, linh hoạt, tỉnh táo, đối phó với diễn biến tình hình dịch bệnh. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ “bóc tách” F0, làm sạch địa bàn, đẩy lùi dịch bệnh để “hạ nhiệt” áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, sau ngày 25-8, khi các địa phương có quyết định áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, dù là áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg hay “hạ nhiệt” áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg cũng phải thực hiện nghiêm các quy định của chỉ thị. Cần tuyên truyền người dân không chỉ chú ý phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh từ người, mà còn chú ý phòng tránh bị lây nhiễm từ các loài động vật xung quanh. Đối với các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch tùy các mức độ vi phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa vào địa bàn tỉnh cả đường thủy và đường bộ cần phải được kiểm soát chặt chẽ, cần kiểm tra hàng hóa bên trong xe để ngăn chặn kịp thời các trường hợp lợi dụng xe vận chuyển hàng hóa để vận chuyển người vào tỉnh trái phép. Khi kiểm tra nếu phát hiện trường hợp trên xe chở người vào tỉnh trái phép cần lập biên bản xử lý nghiêm đối với tài xế đó.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, kịp thời ứng phó với các tình huống, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang lưu ý, các ngành, các địa phương cần huy động xã hội hóa lực lượng tham gia phòng, chống dịch (người có nghiệp vụ ngành y từ y tá, y sĩ, bác sĩ và sinh viên học ngành y…), sớm lập danh sách các lực lượng này để vận động, huy động, ưu tiên tiêm vaccine để chuẩn bị sẵn sàng trong các tình huống, không để bị động. Bên cạnh đó, cần tiếp tục vận động các hàng hóa thiết yếu, cung cấp nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Cùng với công tác phòng, chống dịch phải chú trọng hỗ trợ nhân dân trong sản xuất….

MỸ LINH – DUY ANH