Ông Trần Hoàng Thơm (ấp Bình Đức, xã Bình Phú, Châu Phú) tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Vợ chồng ông Thơm sinh được 4 người con, trong đó 3 người con bị di chứng chất độc da cam/dioxin rất nặng. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Thơm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và huyện Châu Phú đã vận động nhiều tổ chức, xã hội tham gia giúp đỡ ông Thơm, trong đó Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang đã trợ cấp mỗi tháng 1,5 triệu đồng, giúp ông Thơm giảm bớt khó khăn. Ngoài ra, đơn vị này còn tham gia cất nhà tình thương, nhà Tình nghĩa cho các hộ nghèo trong tỉnh.
“Gia đình tôi vô cùng biết ơn Đảng và Nhà nước, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang và các nhà hảo tâm đã có nhiều đóng góp, giúp đỡ để gia đình giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống…” - ông Thơm chia sẻ.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập vào ngày 5-1-2010, phần lớn những người tham gia hội đều là những cán bộ lãnh đạo của các sở, ban, ngành tỉnh đã nghỉ hưu. Họ đến với những nạn nhân da cam, những người bị và nghi có phơi nhiễm chất độc da cam bằng cả tấm lòng. qua 7 năm hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh có 1.450 hội viên, đang sinh hoạt ở 11 hội cấp huyện.
Năm 2017, các cấp hội trong tỉnh đã vận động toàn xã hội tham gia đóng góp, chăm sóc nạn nhân da cam với số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng góp phần quan trọng, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình vượt qua “nghịch cảnh”, chống chọi với bệnh tật.
“Công tác chăm sóc nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đã huy động được toàn xã hội tham gia, từ doanh nghiệp đến các tổ chức chính trị - xã hội đều đóng góp tích cực. Đây là chuyển biến quan trọng thời gian qua” - Đại tá Đỗ Trúc Hy, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ.
Thường trực HNNCĐDC tỉnh thăm gia đình ông Mai Thành Sự, hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống
Định hướng
Năm 2018, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sẽ tiếp tục vận động toàn xã hội tham gia chăm sóc nạn nhân chất độc da cam; tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh, chăm sóc tốt các hội viên; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động.
“Hội là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù của những nạn nhân chất độc da cam và các cá nhân tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền, vật chất để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Hội được thành lập để huy động mọi tiềm lực của xã hội, của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, tạo mọi điều kiện giúp đỡ để những nạn nhân chất độc da cam và gia đình hòa nhập cộng đồng” - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nguyễn Ngọc Năm chia sẻ.
Box: “Năm 2018, các cấp hội trong tỉnh phấn đấu vận động từ 1-1,2 tỷ đồng để chăm lo cho các nạn nhân da cam. Vận động sửa chữa và cất mới từ 10-15 căn nhà Tình thương; tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình nạn nhân vào các dịp lễ, Tết với số quà dự kiến vận động từ 1.000-1.200 suất…” - Đại tá Đỗ Trúc Hy, Chủ tịch Hội nạn chất độc nhân da cam/dioxin tỉnh chia sẻ.
Bài, ảnh: MINH HIỂN