Ảnh minh họa HUBBLE ESA
Một tiểu hành tinh kích thước cỡ sân bóng đá đã sượt ngang địa cầu hôm 15-4 với khoảng cách đủ gây thót tim cho các nhà thiên văn học luôn theo dõi sát sao bầu trời Trái đất, theo đài Fox hôm 16-4
Vào điểm gần nhất, tiểu hành tinh 2018 GE3 chỉ cách khí quyển Trái đất khoảng 192.300 km, tức bằng phân nửa khoảng cách từ địa cầu đến mặt trăng, theo Space.com dẫn thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Các Vật thể Cận Trái đất (CNEOS) của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ.
Ước tính thiên thể này có đường kính từ 40 – 100m, được liệt vào loại đủ sức gây ra thảm họa cỡ sự kiện Tunguska. Vào năm 1908, một vụ nổ trên không do tiểu hành tinh hoặc sao chổi gây ra ở khoảng cách 5-10 km so với bề mặt Trái đất gần sông Podkamennaya Tunguska ở vùng tự trị Evenk, Siberi thuộc Nga. Nó phóng thích năng lượng tương đương 10-20 triệu tấn TNT, có thể so sánh với vũ khí hạt nhân uy lực nhất của Mỹ là Castle Bravo. Hậu quả là khoảng 2.000 km2 bị san bằng.
2018 GE3 lần đầu tiên được phát hiện nhờ vào Cuộc khảo sát Bầu trời Catalina của Đại học Arizona hôm 14-4. Vài giờ sau, tiểu hành tinh này đã lướt đến với tốc độ hơn 102.000 km/giờ.
Nhà thiên văn học nghiệp dư người Áo Michael Jäger đã ghi lại hình ảnh chớp nhoáng của nó đang lướt qua bầu trời ở hướng chòm sao Cự Xà.
Theo Thanh Niên