Tiêu thụ cá tra qua kênh nội địa

25/06/2020 - 06:41

 - Nếu tính từ năm 2000 đến nay, ngành hàng cá tra đã có hơn 10 lần rơi vào thế khó (cầu ít - cung nhiều), những tưởng qua những lần như thế, ngư dân và doanh nghiệp (DN) sẽ cùng “ngồi lại” với nhau để rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng. Song đến nay, ngành hàng cá tra vẫn tiếp tục rơi vào thế bị động.

Cá tra được tiểu thương bán tại chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên) Ảnh: MINH HIỂN

 

Từ biện pháp tình thế…

Trước những khó khăn của DN lẫn ngư dân trong việc tiêu thụ cá tra, ngày 9-6 vừa qua, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan tổ chức Tuần hàng cá tra và các sản phẩm thủy sản tại TP. Hà Nội.

Đây là hoạt động nhằm kết nối cung-cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cá tra và các sản phẩm thủy, hải sản khác tại thị trường trong nước; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm thủy sản sạch, an toàn tới người tiêu dùng cả nước; gắn kết các DN sản xuất, chế biến xuất khẩu với thị trường trong nước.

Trong khuôn khổ sự kiện này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, tổ chức “Chương trình kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra”. Đây là những động thái tích cực, biện pháp tình thế nhằm giúp ngành hàng cá tra sớm vượt qua khó khăn trong dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Tại sự kiện quan trọng này, đã có 5 biên bản ghi nhớ được ký kết. Mở đầu là lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO) và Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp (đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn MASAN) về việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra và thủy sản của Công ty NAVICO trong chuỗi phân phối tại thị trường nội địa.

Tiếp đó là lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) và Công ty CP Công nghệ Sạch Tâm Phú BNCITY (Bắc Ninh) về việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra và thủy sản của Công ty TNHH Hùng Cá trong chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho khối các trường học, nhà hàng và công ty trong khu công nghiệp của Bắc Ninh cùng nhiều biên bản ghi nhớ khác…

“Chúng tôi hy vọng rằng, qua những biên bản ký kết lần này, thị trường nội địa sẽ được mở rộng hơn, người dân cả nước sẽ được thưởng thức những món ăn ngon từ sản phẩm cá tra, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tình hình tiêu thụ cá tra, giúp giảm bớt khó khăn cho cộng đồng DN và ngư dân trong dịch bệnh COVID-19. Từ đây, hệ thống phân phối cá tra trên phạm vi cả nước sẽ được thiết lập, đưa sản phẩm này đến với người tiêu dùng tại các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc, góp phần cân đối thị trường trong nước cho sản phẩm cá tra” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

…đến giải pháp căn cơ

Tiêu thụ cá tra qua kênh nội địa là việc làm thiết thực nhằm giúp DN, ngư dân vượt qua khó khăn trong lúc này. Nếu ở TP. Hà Nội có Tuần hàng cá tra thì ngay tại An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, việc “giải cứu” cá tra được nhân dân các địa phương tham gia tích cực bằng những việc làm thiết thực như: tăng cường số lượng, khẩu phần ăn cá tra trong bữa ăn hàng ngày; đưa cá tra vào các bếp ăn tập thể của học sinh, sinh viên; quân đội; bếp ăn tại các khu, cụm công nghiệp. Đã có nhiều tiểu thương tự nguyện tham gia chương trình “giải cứu” cá tra bằng cách đến hầm của ngư dân, mua cá và chở đi bán tại các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Chợ Mới… tổ chức bán cá tra nguyên con ven quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ để phục vụ người tiêu dùng.

Với sự ra quân đồng loạt từ cơ quan quản lý nhà nước đến các tiểu thương tại các chợ, hình ảnh con cá tra được quảng bá sâu rộng trong cộng đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều tiệc buffet cá tra được các nhà hàng mở ra để giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng. Với những cách làm trên, hy vọng ngành hàng cá tra sẽ sớm vượt qua khó khăn.

“Về lâu dài, muốn ngành hàng này phát triển, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững như: không mở rộng diện tích nuôi thêm, chỉ giữ ở mức 6.250ha; phải sản xuất bằng được con giống cá tra 3 cấp. Việc này các tập đoàn lớn phải làm để khép kín quy trình sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, hướng đến sự cạnh tranh” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

Cũng theo bộ trưởng, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kết hợp Bộ Công thương để đưa sản phẩm vào các tập đoàn xuyên quốc gia, đẩy mạnh phục hồi các thị trường truyền thống ở nước ngoài để sản phẩm cá tra phát triển đều ở 2 thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

“Trong kinh doanh, không ai muốn “bỏ trứng vào một giỏ” vì rất dễ bị rủi ro. Đối với ngành hàng cá tra, DN, ngư dân, nhà nước vẫn biết điều này, song trên 20 năm qua vẫn chưa giải quyết được. Cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ những người cùng làm ngành hàng này thiếu sự đoàn kết, thống nhất; trong khi nhà nước chưa có biện pháp chế tài “đủ mạnh” để xử phạt những trường hợp không tuân thủ trong phát triển nuôi mới, vì vậy giá cá tăng cao, ai cũng thả nuôi, từ đó dẫn đến tình trạng cung  vượt cầu” - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc chia sẻ.

“Giải cứu” cá tra qua kênh thị trường nội địa, việc này các tiểu thương, DN gặp không ít khó khăn bởi chi phí vận chuyển cao, bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước chưa hài lòng với cung cách phục vụ của những người tham gia phân phối sản phẩm này, bởi cá tra mua tại hầm chỉ 18.000 đồng/kg, xong khi ra đến chợ, chúng được cắt khúc và bán từ 35.000-45.000 đồng/kg hoặc cao hơn. Đây là những điều chưa hợp lý cần phải khắc phục để thị trường nội địa ngày càng mạnh lên, góp phần tiêu thụ nhiều hơn nữa cá tra của DN lẫn ngư dân.

MINH HIỂN