TikTok chưa chấp thuận việc thoả thuận với các cơ quan báo chí về bản quyền

07/12/2023 - 19:55

TikTok chưa chấp thuận yêu cầu có thỏa thuận với các cơ quan báo chí Việt Nam khi hợp tác phân phối, chia sẻ nội dung trên cơ sở quy định của pháp luật về bản quyền.

Nội dung này được bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - đề cập tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều 7/12.

Bà Huyền cho biết, tại thông báo kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nền tảng xuyên biên giới này thực hiện 9 nội dung lớn.

"Trong văn bản phản hồi, TikTok cam kết thực hiện 4 nội dung từ ngày 26/10; 3 nội dung TikTok đang trao đổi, thảo luận với Bộ về cách thức triển khai hiệu quả, khả thi", bà Huyền thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, TikTok chưa chấp thuận 2 yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể là yêu cầu ủy quyền kiểm soát nội dung trên nền tảng TikTok tại Việt Nam cho pháp nhân của TikTok tại Việt Nam (Văn phòng đại diện hoặc Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam) để xử lý hiệu quả các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. 

Bà Huyền cho hay, TikTok nêu lý do chưa chấp thuận yêu cầu này vì hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định nên TikTok chưa có cơ sở thực hiện.

"Yêu cầu thứ hai mà TikTok chưa chấp thuận là có thỏa thuận với các cơ quan báo chí Việt Nam khi hợp tác phân phối, chia sẻ nội dung trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam về bản quyền", bà Huyền nói.

Theo bà Huyền, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đấu tranh, đàm phán để yêu cầu TikTok phải thực hiện đầy đủ những nội dung trong kết luận cuộc kiểm tra nêu.

Liên quan đến hiện tượng livestream cờ bạc xuất hiện trên TikTok, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, đây là những hành vi vi phạm pháp luật.

"Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã yêu cầu TikTok nói riêng và các nền tảng, doanh nghiệp, website... phải ngăn chặn, gỡ bỏ các dịch vụ này. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ chuyển cơ quan công an điều tra", bà Huyền khẳng định.

Cũng theo bà Huyền, thời gian qua, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu Facebook, TikTok xử lý rất nhiều các hội nhóm, tài khoản cung cấp dịch vụ, nội dung khuyến khích, kêu gọi các hoạt động vi phạm pháp luật như đua xe, lừa đảo, cướp ngân hàng, trốn nợ...

Ngày 5/10, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Bên cạnh việc nêu rõ hàng loạt vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu TikTok thực hiện hàng loạt nội dung để khắc phục những sai phạm. Cụ thể:

- Gỡ bỏ 100% các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp để ngăn chặn những nội dung vi phạm đã bị chặn gỡ được đăng tải lại; Bổ sung việc tuân thủ pháp luật Việt Nam vào Tiêu chuẩn cộng đồng.

- Có thông báo định kỳ đến tất cả người dùng TikTok về việc phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, nghiêm cấm đăng tải các nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam và cảnh báo về các chế tài xử phạt, biện pháp xử lý nếu người dùng đăng tải, chia sẻ nội dung vi phạm pháp luật.

- Không sử dụng thuật toán để tạo xu hướng hoặc đề xuất đến người dùng các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, cấm hoàn toàn quảng cáo chính trị có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

- Phối hợp cung cấp thông tin để xác minh, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện trên nền tảng TikTok theo quy định.

- Triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em và nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em (app for kid) tại Việt Nam.

- Cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung (đặc biệt là với hình thức Livestream) để chủ động ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng TikTok (bao gồm cả công nghệ, phần mềm, nhân sự, quy trình và các tiêu chí kiểm duyệt); có giải pháp cụ thể, hiệu quả làm trong sạch nền tảng của mình, hạn chế tin giả, tin xấu độc.

- Ủy quyền kiểm soát nội dung trên nền tảng TikTok tại Việt Nam cho pháp nhân của TikTok tại Việt Nam (Văn phòng đại diện hoặc Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam) để xử lý hiệu quả các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan để quản lý các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok (KOL, KOC, nghệ sĩ…).

- Có thỏa thuận với các cơ quan báo chí Việt Nam khi hợp tác phân phối, chia sẻ nội dung trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam về bản quyền.

Theo ANH VĂN (VTC News)