Vùng đất đặc biệt
Tri Tôn được biết đến là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh (60.023,8ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 47.411ha), vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng, có đường biên giới giáp quận Krivong (tỉnh Takeo, Campuchia). Trong các thời kỳ chống quân xâm lược, đây là vùng căn cứ kháng chiến trọng điểm (Tri Tôn là huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Trong tổng dân số hơn 134.800 người hiện nay, dân tộc Khmer chiếm khoảng 34%. Đây là lực lượng luôn sát cánh cùng người Kinh trong kháng chiến cũng như xây dựng vùng đất Tri Tôn. Toàn huyện hiện có 13 xã, 2 thị trấn, với 79 khóm, ấp, trong đó có 9 xã, thị trấn với 25 khóm, ấp có đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống.
Trong 7 ngọn núi chính của dãy Thất Sơn huyền bí thì có 4 ngọn núi lớn nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn là: Ngọa Long Sơn (núi Dài), Phụng Hoàng Sơn (núi Tô), Liên Hoa Sơn (núi Tượng) và Thủy Đài Sơn (núi Nước). Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Men Sây Ma cho biết, huyện hiện có 11 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 7 di tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia và 4 di tích được UBND tỉnh xếp hạng. Nhiều người biết đến Ba Chúc (Tri Tôn) là vùng đất khai sinh đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, là nơi chứng kiến tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pol Pot.
Bên cạnh thế mạnh nông nghiệp, Tri Tôn đang tập trung phát triển du lịch. Cùng với những ngọn núi lớn là những thắng cảnh tự nhiên, nhiều dòng suối đẹp, khí hậu thoáng mát, trong lành như: suối Vàng - Soài So, Ô Đá, hang Trời Gầm, bụng Ông Địa, Ma Thiên Lãnh, đồi Tức Dụp, đường Oằn, các hồ Ô Thum, Soài So, Soài Chek, Ô Tà Sóc… có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như: hành hương, khám phá núi non, dịch vụ thể thao leo núi… Tri Tôn còn nổi tiếng với lễ hội đua bò Bảy Núi (được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), nơi gìn giữ và phát triển văn hóa nghệ thuật độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer như: Chà-Pây Chầm-riêng, hát Dì-Kê, múa Lâm-Thôn… Huyện còn có 4 cây di sản Việt Nam là: 2 cây vải thiều (trên 300 tuổi), cây dầu rái (trên 700 tuổi), cây me (trên 500 tuổi). Đây cũng là nơi có nhiều món ăn ngon nổi tiếng như: cháo bò Bảy Núi, bánh bò thốt nốt, gà đốt, đu đủ đâm, bò xào lá giang, canh sim-lo, bánh cà tum, các sản phẩm đường, nước, trái thốt nốt... với giá cả bình dân.
Tri Tôn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Thúc đẩy du lịch
Để thuận tiện giới thiệu, quảng bá về vùng đất có lịch sử hình thành 180 năm và còn nhiều tiềm năng phát triển, UBND huyện Tri Tôn đã phát động cuộc thi bình chọn sáng tác biểu trưng (logo) huyện Tri Tôn. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Men Sây Ma cho biết, cuộc thi nhằm chọn ra một biểu trưng có ý nghĩa, thể hiện rõ nét nhất về chiến lược phát triển, sức hấp dẫn, lợi thế cạnh tranh của huyện Tri Tôn, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến với huyện. Logo được chọn sẽ được sử dụng in trên ấn phẩm, tài liệu, huy hiệu, dùng sản xuất một số dạng tặng phẩm cũng như dùng để quảng bá cho huyện.
Theo thể lệ, tất cả các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước đều được tham gia dự thi (tối đa 5 tác phẩm/tác giả). Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 15-6-2019, dự kiến trao giải ngày 23-8 tới (nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện Tri Tôn). Đối tượng dự thi được tự do triển khai các ý tưởng thiết kế cho logo huyện nhưng cần có tính khái quát và tính hình tượng cao, thể hiện được nhiều ý nghĩa, đặc trưng riêng của huyện, mang bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống, phù hợp làm đại diện cho huyện Tri Tôn trong phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá du lịch đến thị trường trong nước và quốc tế. Tác phẩm phải có tính thẩm mỹ, đơn giản, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng. Nếu có ghi chữ thì phải đơn giản, đẹp, dễ đọc, phong cách của chữ hài hòa với giải pháp tạo hình chung của biểu trưng. Đồng thời, không vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, không sao chép, trùng lặp với bất kỳ hình ảnh logo nào trong và ngoài nước. “Để tác phẩm dự thi đảm bảo tính biểu tượng và phản ánh đúng sức hấp dẫn của du lịch huyện, đối tượng dự thi cần tìm hiểu để có sự hiểu biết tổng quan về những thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, những điểm tham quan nổi bật và định hướng phát triển của du lịch Tri Tôn” - ông Men Sây Ma gợi ý.
Ban Tổ chức dự kiến trao thưởng 1 giải nhất (trị giá 25 triệu đồng) và 9 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải). Tác phẩm dự thi có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về địa chỉ: Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tri Tôn (đường Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn), điện thoại 0296.3770595, email: logotriton@gmail.com. Tham khảo thêm về thể lệ và tải mẫu phiếu đăng ký, bài dự thi tại website: triton.angiang.gov.vn |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN