Khắc phục khó khăn
Năm 2023 được xem là năm có nhiều thách thức đối với ngành hàng thủy sản, khi thị trường xuất khẩu không ổn định, lạm phát tăng, người tiêu dùng thế giới thắt chặt chi tiêu. Đặc biệt, Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, là nguyên nhân tác động trực tiếp đến sản lượng cá tra của DN thủy sản An Giang xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích vùng nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh là của DN hoặc liên kết với DN, khép kín quy trình sản xuất - chế biến - xuất khẩu, nên DN thủy sản nỗ lực sắp xếp lại lao động, cắt giảm chi phí, đa dạng sản phẩm, quan tâm thị trường nội địa thay vì chỉ tập trung xuất khẩu…
Chú trọng chất lượng vùng nuôi cá tra
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.224ha mặt nước nuôi cá tra thương phẩm, với 399 cơ sở nuôi, sản lượng từ 500.000 - 600.000 tấn/năm. Đặc biệt, có 27 cơ sở, vùng nuôi (hơn 382ha), 379 ao cá tra cung cấp nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là những vùng nguyên liệu được kiểm soát, đáp ứng đầy đủ quy định của Chương trình kiểm soát sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (theo Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT).
Năm 2023, trong khi diện tích nuôi cá tra cả nước giảm nhẹ (khoảng 5.700ha, bằng 98% năm 2022; sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn, tương đương cùng kỳ) thì diện tích thu hoạch cá tra của An Giang đạt 1.504ha, tăng 40ha; sản lượng 586.900 tấn, tăng 41.800 tấn. Ước năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của tỉnh đạt 358,9 triệu USD (chủ yếu là cá tra), giảm 5,9% so năm 2022, thấp hơn mức giảm của cả nước (giảm 25%).
Kỳ vọng cá tra giống
Thuận lợi của An Giang là thu hút được nhiều DN lớn đầu tư xây dựng vùng nuôi cá tra thương phẩm và cá giống. Trong sản lượng thu hoạch 586.900 tấn năm 2023, vùng nuôi của DN chiếm khoảng 430.000 tấn (tăng 32.000 tấn so năm 2022). Toàn tỉnh hiện có khoảng 45 vùng nuôi cá tra tập trung, diện tích trên 5ha/vùng (Việt Úc, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Nam Việt Bình Phú, Lộc Kim Chi, Trường Giang, Cửu Long, An Mỹ...) và các vùng nuôi liên kết của Sao Mai, Vĩnh Hoàn, Hưng Phúc Thịnh.
An Giang đang xây dựng trở thành trung tâm giống cá tra của vùng ĐBSCL. Năm 2023, diện tích cá giống thu hoạch đạt 1.486ha. Dù chỉ bằng 97,7% so năm 2022, nhưng sản lượng con giống khoảng 1,8 tỷ con, tăng 100 triệu con. Trong 9 cơ sở sản xuất giống cá tra trên địa bản tỉnh, có 4 DN sản xuất giống quy mô lớn: Việt Úc, Vĩnh Hoàn, Nam Việt và Trung tâm Giống thủy sản An Giang.
Tổng số cá bố mẹ hiện khoảng 92.946 con (đang sinh sản 32.000 con, còn lại là hậu bị), tổng công suất thiết kế 18 tỷ bột/năm. Về năng lực ương dưỡng, diện tích mặt nước ương giống là 766ha, với 639 cơ sở ương dưỡng, năng lực cung cấp khoảng 2 - 3 tỷ con cá hương, cá giống/năm.
Triển khai thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp vùng ĐBSCL tại An Giang, nhiều DN đầu tư vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao. Đây là nguồn giống chất lượng cho định hướng phát triển lâu dài của ngành hàng cá tra.
Chuẩn bị đón nhận thị trường
Nhận định khó khăn đối với ngành hàng cá tra chỉ là tạm thời, nhiều DN thủy sản xem đây là cơ hội để tái cơ cấu, chuẩn bị điều kiện tốt hơn chinh phục thị trường trong thời gian tới.
Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, toàn tỉnh hiện có 15 DN, với 18 nhà máy chế biến cá tra. Các sản phẩm chủ yếu là: Phi-lê, cắt khúc, nguyên con, xẻ bướm, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Á, Châu Âu, các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)… đồng thời phát triển thị trường mới ở Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Đại Dương.
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước, đến nay, có 313ha nuôi cá tra đạt chứng nhận tiêu chuẩn ASC, BAP, GlobalGAP (252,1ha) và VietGAP (61,1ha), sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm.
Trong đó, có 253ha vùng nuôi cá tra thương phẩm của DN đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ASC/BAP (Vĩnh Hoàn, Nha Trang Seafood, Nam Việt, Trường Giang, Sao Mai, Agifish, Lộc Kim Chi, Hưng Phúc Thịnh, An Mỹ). Các cơ sở sản xuất giống đạt chứng nhận quốc tế BAP, GlobalGAP cũng tăng đáng kể, với 60ha (Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Nha Trang Seafood), năng lực sản xuất khoảng 4.300 con giống/năm.
Đây là sự chuẩn bị tốt để đón đầu cơ hội mới, bởi cá tra vẫn là mặt hàng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giá bán bình dân, được thế giới ưa chuộng.
Đến nay, diện tích liên kết tiêu thụ cá tra đạt 1.072ha, chiếm 87,6% diện tích nuôi toàn tỉnh (diện tích vùng nuôi DN 778,6ha; 9 chuỗi liên kết với 99 cơ sở nuôi, diện tích 293,8ha). Tỉnh đang hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản để liên kết với DN diện tích còn lại.
|
NGÔ CHUẨN