Phát ngôn viên quân đội Nepal Narayan Silwal thông báo trên Twitter: "Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ đã xác định được vị trí thực tế nơi chiếc máy bay rơi". Thông báo đăng kèm bức ảnh chụp xác máy bay tại hiện trường, trong đó có thể nhìn rõ số hiệu trên cánh đuôi máy bay và các bộ phận của máy bay nằm rải rác ở rìa một ngọn núi.
Chiếc DHC-6 Twin Otter gần như vỡ nát hoàn toàn khi đâm vào sườn núi, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy có người sống sót sau vụ rơi máy bay.
Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: Twitter
Chiếc máy bay của hãng hàng không Tara Air chở 19 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn mất liên lạc sau khi cất cánh vào sáng 29-5 (giờ địa phương) trên đường từ thị trấn Pokhara đến Jomsom, địa điểm du lịch và hành hương nổi tiếng, cách Pokhara, khoảng 80 km về phía Tây Bắc.
Theo hãng hàng không và các quan chức chính phủ, trên chuyến bay gặp nạn có 6 người nước ngoài, trong đó có 4 công dân Ấn Độ, 2 công dân Đức, 16 người Nepal. Máy bay bay khoảng 20 phút trước khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu.
Quân đội Nepal hôm 30-5 cho biết hoạt động cứu hộ đang diễn ra. Ảnh: Twitter
Trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24 cho biết chiếc máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4-1979. Người phát ngôn Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal (CAAN) Deo Chandra Lal Karna cho hay sau khi xác máy bay được phát hiện, 5 trực thăng đã tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Trực thăng được điều động tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Ảnh: Reuters
Nepal, quốc gia có phần lớn lãnh thổ nằm trên dãy Himalaya, ghi nhận nhiều vụ tai nạn máy bay do thời tiết thường thay đổi đột ngột và nhiều đường băng nằm ở những vị trí khó tiếp cận.
Vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất gần đây tại Nepal diễn ra hồi tháng 3-2018, thời điểm chiếc Bombardier Q400 của hãng US-Bangla Airlines gặp nạn lúc hạ cánh ở sân bay Tribhuvan, thủ đô Kathmandu khiến 51 người thiệt mạng, 20 người bị thương.
Theo XUÂN MAI (Người lao động)