“Bão tin giả”
Hiện nay, tình hình mưa lũ tại miền Bắc đang là thông tin nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ nhất trên mạng xã hội. Thế nhưng, bên cạnh những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng vẫn có tình trạng một số kẻ lợi dụng thiên tai, bão lũ đã cố tình đưa ra các thông tin sai sự thật. Thậm chí giả mạo cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức để kêu gọi quyên góp lừa đảo.
Trước khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện loạt hình ảnh ghi lại cảnh Philippines tan hoang, đổ nát với chú thích: "Hình ảnh sau khi bão đổ bộ vào Philippines khiến hàng chục ngàn người tại miền trung Philippines ra đi...". Đặt trong thời điểm siêu bão Yagi chuẩn bị tiến sát vùng biển Việt Nam, thông tin trên lập tức gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều người dân. Tuy nhiên, thực tế, những hình ảnh được lan truyền trên mạng được chụp tại Philippines sau cơn bão Haiyan năm 2013.
Đến giai đoạn sau bão, nạn fake news lên tới cao trào khi một loạt thông tin sai sự thật liên tiếp bùng nổ. Điển hình nhất là hình ảnh 3 người trong gia đình tại tỉnh Hà Giang chạy lũ và clip em bé khóc nức nở vì mẹ bị lũ cuốn trôi. Sáng 11/9, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh người chồng ngâm mình trong nước lũ, đẩy theo một chiếc chậu, bên trong có người vợ đang ôm chặt con trai. Gương mặt chị mếu máo, đầy lo lắng. Tối muộn cùng ngày, UBND xã Ngọc Linh (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã lên tiếng khẳng định, hình ảnh trên chỉ là dàn dựng.
Nếu như việc đưa ra thông tin thiếu kiểm chứng chủ yếu nhằm thu hút tương tác, câu “like”, câu “view” thì nhiều đối tượng xấu thậm chí còn lợi dụng bão lũ để kêu gọi ủng hộ từ thiện. Ngày 7/9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Không chỉ tạo fanpage giả kêu gọi từ thiện, mạng xã hội những ngày qua còn lan truyền nhiều tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của một nhà mạng. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng còn lưu ý cú pháp chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối Internet. Đại diện nhà mạng đã bác bỏ thông tin sai sự thật trên.
Ngoài ra, các đối tượng còn liên tiếp dựng lên các kịch bản lừa đảo như giả danh người gặp nạn trong vùng bị lũ lụt để vay mượn tiền, hay hướng dẫn gửi tin nhắn tới các đầu số dịch vụ để kết nối mạng, thực chất là chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại, thậm chí lừa bán nhu yếu phẩm hay phương tiện cứu hộ, như: Áo phao, nhận tiền nhưng không giao hàng… Các chuyên gia bảo mật thậm chí còn cảnh báo về hiện tượng kẻ xấu tạo ra những hình ảnh đáng thương liên quan đến bão lũ… bằng công nghệ AI, sau đó lợi dụng lòng thương để lừa các nạn nhân chuyển tiền từ thiện.
Cần tỉnh táo
Giai đoạn này, nhiều địa phương đang nỗ lực xử lý các vấn đề do mưa bão, sạt lở, lũ quét hoành hành, gây mất mát lớn người và tài sản, những hành vi lan truyền thông tin sai lệch không chỉ gây hoang mang dư luận, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống bão lụt và tình hình an ninh, trật tự. Mặc dù cơ quan chức năng đã triệu tập, xử lý nhiều trường hợp về hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, sai sự thật, nhưng nhiều người dùng mạng xã hội vẫn còn xem nhẹ, chưa ý thức hết trách nhiệm và hậu quả của việc phát tán thông tin không đúng sự thật lên môi trường mạng.
Thông tin sai sự thật về mưa lũ không chỉ đơn thuần là dòng chữ vô hại trên mạng, mà sau đó sẽ đem đến sự bất an, lo âu, thậm chí là sợ hãi của hàng ngàn người dân đang đối mặt với thiên tai. Trường hợp nghi ngờ, cần liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để xác minh, đồng thời ngăn chặn từ xa sự lan truyền của tin giả, tin lừa đảo. Đặc biệt, trong tình hình phức tạp, người dân không nên làm theo các hướng dẫn chưa được kiểm chứng trên Internet, đồng thời chủ động cập nhật tin tức từ các kênh thông tin chính thống.
Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị uy tín, minh bạch, bảo đảm sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa. Trước khi quyên góp, ủng hộ cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, khi phát hiện các trang mạo danh, lừa đảo, người dân cần chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người nêu cao tinh thần cảnh giác, góp phần bảo vệ cộng đồng.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian qua, đã phối hợp các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin sai lệch về tình hình bão lũ. Cụ thể, Facebook đã gỡ bỏ 36 tin, bài chứa thông tin sai sự thật liên quan đến bão lũ, TikTok đã chặn 51 tài khoản đăng tải thông tin xuyên tạc về tình hình phòng, chống thiên tai. |
N.A (Tổng hợp)