Tỉnh An Giang được thành lập ngày 22/11/1832

03/08/2022 - 16:44

 - Đó là khẳng định của Ban Tổ chức Hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832-2022)” trong thông cáo báo chí gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí về kết quả của hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Qua các tài liệu, sử liệu sưu tầm phục vụ hội thảo, nội dung các tham luận và ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận đều thống nhất khẳng định: Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi nhận 190 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mệnh thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mệnh đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh”, quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm, trong đó có tỉnh An Giang.

Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), nhằm ngày 22/11/1832 (dương lịch). Vì vậy, có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để khẳng định, tỉnh An Giang được vua Minh Mệnh quyết định thành lập vào ngày 22/11/1832.

Theo Ban Tổ chức Hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832-2022)”, sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, ngày 29/7/2022, hội thảo đã được tổ chức trang trọng tại Hội trường tỉnh, với sự tham dự của gần 300 đại biểu, là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên  Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Trung ương, đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Mục đích của hội thảo nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang; khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người An Giang trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc; tiếp tục tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng của người dân An Giang; thể hiện tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi người dân An Giang, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Sau thời gian triển khai kế hoạch hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 167 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh. Ban Tổ chức tiến hành 2 vòng thẩm định kỹ càng, nghiêm túc, khách quan và đã chọn ra 96/167 bài tham luận (chiếm 57,4%) có tính chất tiêu biểu để phục vụ hội thảo, trong đó có 63 bài của đại biểu trong tỉnh, 33 bài của đại biểu ngoài tỉnh.

Trong 96 bài được chọn, có bài của 2 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bài của 1 đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 1 GS.TS, 6 PGS.TS, 19 tiến sĩ, 35 thạc sĩ... Đa số tham luận của các tác giả đều bám sát chủ đề do Ban Tổ chức đề ra, bài viết có sự đầu tư công phu, nghiêm túc, có hàm lượng khoa học cao, thể hiện tình cảm, tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong quá trình hình thành và phát triển của tỉnh.

Kế thừa những kết quả nghiên cứu về tỉnh An Giang thời gian qua; cập nhật các tư liệu mới được công bố, với tinh thần khoa học, các tham luận đã tập trung phân tích, luận chứng sâu sắc ở từng nội dung, vấn đề theo chủ đề hội thảo đặt ra, xoay quanh 6 nhóm vấn đề: (1) Quá trình hình thành, di dân, lập ấp, chính sách khai hoang, mở rộng các dinh điền, phát triển kinh tế - xã hội thời nhà Nguyễn; (2) Công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước của quân và dân An Giang qua các thời kỳ lịch sử; (3) Những danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh gắn liền với vùng đất An Giang; (4) Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh An Giang qua 92 năm hình thành và phát triển; (5) Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; (6) An Giang đổi mới, hội nhập và phát triển.   

Tại hội thảo, ngoài phát biểu chào mừng, đề dẫn và tổng kết hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày 9 tham luận có tính chất tiêu biểu và nhiều ý kiến tham gia thảo luận, phát biểu tại hội trường. Nội dung các tham luận và thảo luận có chất lượng cao, hết sức phong phú, đa dạng, đề cập nhiều phương diện, góc độ khác nhau của chủ đề hội thảo đặt ra.

Các tham luận đã thể hiện phương pháp tiếp cận đa chiều, trên quan điểm hệ thống, toàn diện, lịch sử cụ thể, quan điểm thực tiễn, đổi mới và phát triển; có ý nghĩa tư tưởng chính trị sâu sắc, có hàm lượng khoa học cao, phản ánh thực tiễn đa dạng, phong phú trong chặng đường 190 năm hình thành và phát triển của tỉnh. Trong đó, các ý kiến về ngày, tháng, năm thành lập tỉnh được dành nhiều thời gian, bàn thảo dân chủ, kỹ càng, thấu đáo, nghiêm túc.

NGÔ CHUẨN