Tinh gọn bộ máy: Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mang tính chiến lược

11/05/2025 - 18:03

Nổi bật trong tuần (từ 5 - 11/5) là ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết quyết định việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chú thích ảnh

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn”.

Khẩn trương thực hiện Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân

Chiều 5/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban. Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo Kế hoạch, thời gian lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 6/5/2025 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025.

Văn phòng Chính phủ ngay sau đó (ngày 6/5) đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam cũng đã ban hành Hướng dẫn về việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đối với Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chú thích ảnh

Chiều 5/5/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ nhất của Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân là căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá rất cao Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đánh giá cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ kịp thời ban hành chính sách rất phù hợp cho những người bị ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; chủ trương ưu tiên bố trí cơ sở vật chất dôi ra sau sắp xếp tổ chức bộ máy cho 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao.

Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ người dân tốt hơn

Tháng 2/2025 vừa qua, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua 4 Luật và 11 Nghị quyết. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo Chương trình Kỳ họp lần này, liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Ngày 8/5, thảo luận ở tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Chủ tịch nước Lương Cường nhắc lại mục tiêu sửa luật phải đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nước ta đang hướng tới tổ chức bộ máy địa phương 2 cấp, sáp nhập còn tỉnh 34 tỉnh, thành phố, còn lại là cấp xã, phường. Vì vậy, mục tiêu của việc cải cách tư pháp là phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân, khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển.

Ngày 9/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 do Bộ Nội vụ trình, hoàn thành việc sắp xếp 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Nghị quyết này có hiệu lực từ 9/5/2025. Theo Đề án, sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh.

Tại Nghị quyết số 126/NQ-CP (có hiệu lực từ ngày ký ban hành - 9/5/2025), Chính phủ đã thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình. Cả nước có 3.193 xã, phường hình thành mới do sáp nhập. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm bình quân cả nước là 66,91%. Việc giảm này cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân để phục vụ người dân tốt hơn.

Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vào sáng 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Khi Quốc hội thông qua tổ chức thực hiện ngay, đồng thời tiến hành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và giải quyết các vướng mắc phát sinh nếu có.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo khẩn trương bố trí ngay kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính địa phương…

Bám sát cơ sở trong quá trình sắp xếp, hợp nhất

Chú thích ảnh

Sáng 11/5/2025, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn công tác của Bộ Chính trị chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong tuần, một số Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ một số tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ngày 11/5, chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tỉnh ủy Sóc Trăng, đánh giá cao 3 Tỉnh ủy, Thành ủy đã chủ động, tích cực triển khai các công việc, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu 3 địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu; có kế hoạch chi tiết, rà soát, phương án giải quyết số cán bộ cấp huyện, cán bộ cấp tỉnh, cán bộ cấp xã bị ảnh hưởng sau sắp xếp, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, việc chọn cán bộ sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính là hết sức quan trọng và rất khó. Cấp xã là cấp gần dân nhất, nếu lựa chọn cán bộ không đảm đương được nhiệm vụ thì cơ sở sẽ yếu, xã mạnh thì tỉnh mạnh, trung ương mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc tuyệt đối tránh tiêu cực, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”; nêu yêu cầu phải công tâm, khách quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất, giới thiệu nhân sự theo các quy định mới của Trung ương.

Cùng với đó các tỉnh, thành rà soát, đánh giá hiện trạng tài sản công, trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính; xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tránh lãng phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, số hóa tài liệu… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ công trước, trong và sau sắp xếp.

Trước đó, chiều 9/5, Đoàn công tác của Bộ Chính trị do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh, sau khi Quốc hội kết thúc kỳ họp, các khung sắp xếp về mặt chính quyền cho tỉnh mới phải xong. Khi hai tỉnh sáp nhập, các nhiệm vụ phải được phân công rõ ràng, tránh tình trạng thủ tục hành chính dồn lại. Khi sắp xếp cán bộ, cấp ủy phải có người am hiểu công nghệ để hoạch định đường lối chủ trương khoa học công nghệ và theo dõi giám sát, để kịp thời điều chỉnh các chính sách. Hai tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, bám cơ sở trong quá trình thực hiện sắp xếp. Các bên phải đảm bảo nguyên tắc, hài hòa nhân sự sau sắp xếp, tránh "mầm mống" mất đoàn kết nội bộ.

Trong tuần, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh: Hưng Yên và Thái Bình đã ban hành Thông báo Kết luận về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Trong đó có nội dung phấn đấu đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động từ 1/7/2025 và đơn vị hành chính cấp tỉnh (hợp nhất) đi vào hoạt động từ 15/7/2025; đồng thời sớm ổn định tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị 2 cấp.

Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang, Kiên Giang đã thông qua đề án hợp nhất 2 tỉnh. Sau khi hợp nhất, tỉnh An Giang (mới) là địa phương có diện tích lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long sau sắp xếp.

Để triển khai thực hiện chủ trương hợp nhất hai tỉnh, Ban chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh thống nhất sẽ thành lập 6 tổ giúp việc. Theo đó, các tổ công tác phải xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện từng đầu công việc, có giao nhiệm vụ, thời gian hoàn thành; xây dựng nguyên tắc trong công tác sắp xếp tổ chức cán bộ đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng. Các tổ công tác chủ động phối hợp thật tốt, chặt chẽ, sẵn sàng chia sẻ thông tin, thống nhất cách làm để việc thực hiện nhiệm vụ nhịp nhàng, đồng bộ. Lãnh đạo các cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm để điều hành bộ máy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

Theo TTXVN

Link gốc: https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-no-luc-thuc-hien-nhiem-vu-mang-tinh-chien-...

 

Tinh gọn bộ máy: Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mang tính chiến lược