Trong ngày 20-6, ASEAN có 2.407 ca mắc COVID-19 tại 5 quốc gia, trong đó chiếm hơn một nửa số ca là Indonesia với 1.226 ca. Philippines ghi nhận 943 ca, Singapore có 218 ca, Malaysia có thêm 21 ca và Thái Lan chỉ có 1 ca. Về tổng số ca mắc, Indonesia là nước đứng đầu ASEAN sau khi vượt Singapore vài ngày trước.
Toàn khối có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong trong 24 giờ qua là Indonesia và Philippines với lần lượt 56 và 20 ca. Tính tới nay, Indonesia cũng là quốc gia nhiều ca tử vong nhất khối với 2.429 ca. Có bốn quốc gia chưa ghi nhận ca tử vong nào, gồm Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam.
Indonesia trước nguy cơ thành điểm nóng COVID-19 thế giới
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài bưu điện ở Manila, Philippines, ngày 10-6. Ảnh: THX-TTXVN
Bộ Y tế Indonesia ngày 20-6 thông báo 1.226 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca trên toàn quốc lên 45.029 ca.
Phát biểu tại họp báo, Tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Bộ Y tế, ông Achmad Yirianto, cho biết thêm có 56 người tử vong vì bệnh, nâng tổng số ca tử vong ở Indonesia lên 2.429. Tổng số bệnh nhân hồi phục đã tăng lên 17.883.
Thủ đô Jakarta ghi nhận 180 ca mới, nâng tổng số ca lên 9.829. Trong khi đó, Đông Java ghi nhận 394 ca, Nam Sulawesi ghi nhận 112 ca, Trung Java có 98 ca và Nam Kalimantan có 83 ca trong ngày 20-6. Virus đã lan ra toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia.
Tờ Sydney Morning Herald của Australia nhận định: Phần lớn quốc gia Đông Nam Á đã thành công trong làm giảm tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng Indonesia lại đang thua trong cuộc chiến chống COVID-19.
Indonesia đang đứng bên bờ vực nguy hiểm khi chính phủ nước này không có nhiều dấu hiệu cho thấy sẵn sàng thực hiện các quyết định cứng rắn cần thiết để làm giảm đà lây lan nhanh của dịch bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 14-6. Ảnh: THX-TTXVN
Trong khi phần lớn thế giới tập trung vào các tâm dịch như Mỹ, Ấn Độ, Nga và Brazil vì những nước này có ca nhiễm hàng ngày lên tới hàng chục nghìn người, không mấy ai chú ý tới Indonesia – dù nước này đang là tâm dịch của Đông Nam Á.
Tuy nhiên, 8 trong 10 ngày qua, Indonesia ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm hàng ngày và 2 ngày có số ca mắc chỉ dưới 1.000 một chút. Các nhà dịch tễ lo ngại trong hai tuần tới, số ca nhiễm bệnh ở Indonesia có thể tăng lên trên 60.000 người từ mức trên 45.000 người như hiện nay. Điều đáng lo ngại hơn là tốc độ xét nghiệm chậm chạp một cách đáng báo động và tỷ lệ tử vong cao.
Trang web worldometers.info xếp Nga đứng thứ 18 thế giới khi thực hiện 107.445 xét nghiệm trên 1 triệu dân. Mỹ đứng thứ 27, Brazil đứng thứ 108, Ấn Độ đứng thứ 138. Còn Indonesia đứng mãi thứ 163 khi chỉ xét nghiệm 2.123 người-1 triệu dân.
Ngày 19-6, Indonesia ghi nhận ca mắc hàng ngày cao kỷ lục với 1.331 ca khi chỉ xét nghiệm 10.381 người. Tức là tỷ lệ lây nhiễm gần 13%.
Đất nước đông dân thứ tư thế giới với gần 270 triệu người gần đây mới xét nghiệm trên mức 10.000 người-ngày.
Theo con số chính thức, mới 2.429 người tử vong ở Indonesia nhưng Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan cho rằng chỉ riêng ở thủ đô trong tháng 3 và 4, số ca tử vong đã có thể cao gấp đôi con số đó. Jakarta có 10 triệu dân.
Bất chấp xu hướng gia tăng ca lây nhiễm rõ ràng, phần lớn Indonesia đã bắt đầu nới lỏng hạn chế. Giao thông công cộng, các chuyến bay, trung tâm mua sắm, nhà thờ đều đang bắt đầu mở cửa trở lại ở các thành phố.
Hòn đảo nghỉ dưỡng Bali ghi nhận 66 ca mắc trong ngày 19-6, mức cao kỷ lục, nhưng giới chức ở đây đang cân nhắc đón khách du lịch trở lại từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Nhu cầu kinh tế trong khôi phục ngành du lịch dường như là động lực để Bali mở cửa trở lại.
Ở Indonesia, đáng lo ngại hơn là số trẻ em tử vong vì COVID-19. Reuters gần đây đã cho biết hàng trăm trẻ em có thể đã tử vong vì căn bệnh này.
Khu vực bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP-TTXVN
Theo con số chính thức, tổng số ca tử vong ở người dưới 18 tuổi là 28, nhưng có 380 trẻ em đã chết trước đó được xếp vào loại bệnh nhân đang theo dõi, có nghĩa là các em có triệu chứng COVID-19 nhưng chưa kịp xét nghiệm.
Tờ Sydney Morning Herald nhận định Chính phủ Indonesia xử lý dịch kém. Bộ trưởng Y tế còn tuyên bố sức mạnh cầu nguyện sẽ bảo vệ đất nước. Sau đó, Tổng thống Joko Widodo thừa nhận đã ém thông tin để tránh gây sợ hãi cho người dân.
Sau khi thừa nhận, chính phủ mới quyết định phong tỏa muộn màng, nhưng lúc cấm, lúc lại cho người dân di chuyển về quê trong dịp nghỉ lễ tôn giáo lớn. Tốc độ xét nghiệm cũng chậm và giờ chính phủ lại nới lỏng hạn chế khi số ca nhiễm tăng.
Mãi tới ngày 2-3, Chính phủ Indonesia mới thừa nhận ca nhiễm đầu tiên dù bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Chính phủ Indonesia giờ có hai lựa chọn: thực hiện các biện pháp mạnh hơn nhiều để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có tăng cường xét nghiệm và tái áp đặt phong tỏa; hoặc tiếp tục thả lỏng và trả giá bằng mạng sống.
Philippines ghi nhận ca mắc trong ngày cao kỷ lục
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên tàu điện tại Manila, Philippines. Ảnh: THX-TTXVN
Bộ Y tế Philippines cho biết trong ngày 20-6, nước này có 943 ca mắc COVID-19, con số cao nhất trong một ngày kể từ ngày ghi nhận kỷ lục 504 ca hôm 13-6. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines hiện là 29.400 ca.
Một nửa số ca là ở Trung Visayas. Khu vực thủ đô Manila ghi nhận số ca mới cao thứ hai với 218 ca.
Ngoài ra, có 20 người nữa chết vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 1.150. Trong khi đó, số ca hồi phục là 7.650.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh phong tỏa trở lại thành phố Cebu từ ngày 16-6. Bộ Y tế cho biết đó là vì số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh ở đây. Trước đó, Cebu đã xin dỡ bỏ phong tỏa.
Các chuyên gia ở Đại học Philippines cảnh báo rằng số ca nhiễm mới gia tăng ở Cebu cho thấy đây là “chiến trường lớn thứ hai” ở đất nước này. Họ dự báo sẽ có 11.000 ca mắc ở Cebu vào ngày 30-6.
Singapore có hai ca lây nhiễm trong cộng đồng
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 15-5. Ảnh: AFP-TTXVN
Ngày 20-6, Singapore ghi nhận 218 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 41.833.
Trong số đó, có hai ca lây nhiễm trong cộng đồng, đều là người có giấy phép làm việc tại đây. Các ca còn lại là công nhân nhập cư sống trong các khu nhà đông đúc.
Trước đó, ngày 19-6, Bộ Y tế thông báo hai chùm ca COVID-19 mới, cả hai đều sống trong khu nhà ở của công nhân nhập cư. Một chùm ca có 6 người ở 10 Kaki Bukit Road 1 và một chùm có 3 người ở 6 Kian Teck Crescet.
Ngày 19-6, Singapore chỉ ghi nhận một ca trong cộng đồng là một tù nhân 21 tuổi người Sri Lanka đang ở khu phức hợp nhà tù Changi. Tù nhân này đã được cách ly với các tù nhân khác khi được đưa vào nhà tù Changi từ 6-6 và xét nghiệm dương tính ngày 18-6.
Số bệnh nhân COVID-19 trung bình hàng ngày trong cộng đồng đã tiếp tục giảm từ 9 ca cách đây 2 tuần xuống 4 ca trong tuần trước.
Singapore chỉ có 26 ca tử vong vì biến chứng COVID-19.
Nước này đã nới lỏng hạn chế và bắt đầu mở cửa trở lại giai đoạn hai từ 19-6, cho phép nối lại các hoạt động kinh doanh và xã hội.
Các hộ gia đình được đón tới 5 khách tại một thời điểm và mọi người có thể tụ tập theo nhóm tới 5 người. Các cá nhân vẫn phải duy trì giãn cách xã hội ít nhất 1m.
Các quán karaoke, quán bar, câu lạc bộ đêm, rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, bảo tàng và các tụ điểm giải trí, văn hóa lớn chưa được mở cửa lại.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)