Quán cà phê - cơm trưa ở phố Toa Payoh đông khách trong ngày 19-6, ngày đầu tiên bắt đầu giai đoạn 2 mở cửa lại tại Singapore. Ảnh: CNA
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 23 giờ 59 phút ngày 19-6, khu vực Đông Nam Á ghi nhận có tổng cộng 126.506 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.717 ca tử vong, tăng 48 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 69.337 trường hợp.
Trong ngày 19-6, Indonesia vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Nước này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới và 34 ca tử vong. Trong khi dịch đã dịu đi đáng kể tại Singapore thì tại Philippines, vẫn có tới 660 ca nhiễm mới và 14 ca tử vong trong ngày.
Trong ngày, ba nước gồm Thái Lan, Việt Nam, Myanmar đã ghi nhận thêm các ca lây nhiễm có kiểm soát và tiếp tục chuỗi ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu trong cuộc họp nội các tại Bangkok ngày 3-4-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Thái Lan: Bộ trưởng Y tế tình nguyện thử nghiệm vaccine
Ngày 19-6, truyền thông sở tại dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob cho biết Phó Thủ tướng Anutin đã bày tỏ mong muốn là người đầu tiên ở Thái Lan được tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 sản xuất trong nước.
Theo Giám đốc Viện Vaccine quốc gia Thái Lan Nakorn Premsri, vaccine mRNA do viện này cùng Cục Y khoa và trường Đại học Chulalongkorn hợp tác nghiên cứu phát triển ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Loại vaccine này đã được thử nghiệm thành công trên chuột và đang tiếp tục thử nghiệm trên khỉ từ ngày 23/5 vừa qua. Nếu các thử nghiệm trên động vật thành công, vaccine này sẽ tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng trên người trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Phó Thủ tướng Anutin sẽ là tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm loại vaccine này. Tiếp theo, Thái Lan sẽ tiêm thử nghiệm cho những tình nguyện viên có độ tuổi 29-39 vì đây là nhóm có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất tại nước này, sau đó là các nhóm nguy cơ khác như người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Phó Thủ tướng Anutin cho rằng nếu các bước thử nghiệm cho kết quả thuận lợi, loại vaccine ngừa COVID-19 của Thái Lan sẽ bắt đầu được sản xuất đại trà vào năm 2021, và người dân ở các thành phố lớn sẽ là những đối tượng đầu tiên được tiêm chủng.
Trong 25 ngày qua, Thái Lan đã không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào trong cộng đồng. Những ca nhiễm mới thời gian qua đều được ghi nhận trong số công dân hồi hương từ nước ngoài. Tính đến ngày 19/6, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.146 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong.
Công nhân các ngành thiết yếu được lấy mẫu xét nghiệm tại Singapore ngày 9/6/2020. Ảnh: Straits Times
Singapore: Số ca nhiễm mới xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng
Bộ Y tế Singapore cho biết, ngày 19-6 nước này ghi nhận 142 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca bệnh lên 41.615 trường hợp. Trong số các ca nhiễm mới có một trường hợp duy nhất lây nhiễm cộng đồng liên quan đến một tù nhân trong chuyến thăm xã hội.
Tù nhân này đã bị cách ly khỏi các tù nhân khác kể từ khi vào trại giam Changi hôm 6-6 và có kết quả xét nghiệm dương tính ngày 18-6. Hiện tại tất cả các tù nhân trong trại được theo dõi chặt chẽ và được xét nghiệm thêm.
Con số bệnh nhân nhiễm mới trong ngày 19-6 là thấp nhất kể từ ngày 8-4. Đa số người mắc bệnh vẫn các công nhân nhập cư.
Người dân xếp hàng dài chờ vào cửa hàng tại trung tâm thương mại Orchard MRT, Singapore trong ngày đầu tiên mở cửa lại, 19-6. Ảnh: CNA
Indonesia: Tổng thống Widodo đi làm trở lại từ tuần tới
Sau ba tháng điều hành các phiên họp điều hành nội các qua mạng do các lệnh hạn chế phòng chống dịch lây lan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 19-6 cho biết ông sẽ đi làm trực tiếp trở lại trong tuần tới.
Indonesia đang chuyển sang trạng thái "bình thường mới" với việc nới lỏng một số hạn chế bất chấp số ca lây nhiễm vẫn ở mức đang ở mức đáng ngại. Ngày 19-6, Indonesia ghi nhận 1.041 ca nhiễm virus mới, nâng tổng số người bệnh lên 43.803, vượt khá xa Singapore. Cùng ngày, nước này có thêm 34 ca tử vong và hiện số trường hợp tử vong là 2.373, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn tại một ngôi đền ở Denpasar, Bali, ngày 18-6-2020. Ảnh: EPA-EFE
Malaysia sẽ cho phép sinh viên quốc tế trở lại
Bộ trưởng An ninh Cấp cao Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, các sinh viên quốc tế theo học trong các trường công lập hoặc tư thục tại Malaysia có thể quay trở lại nước này để tiếp tục học tập. Theo ông Yaakob, sinh viên quốc tế không cần nộp đơn tới Sở Di trú trước khi tới Malaysia, nhưng họ phải đăng ký với Bộ Giáo dục.
Các sinh viên cũng phải trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 tại nước họ còn hiệu lực, hoặc làm xét nghiệm ngay khi nhập cảnh vào Malaysia. Sinh viên đến từ "các nước vùng xanh", bao gồm Singapore, Brunei, New Zealand và Australia, không cần phải cách ly, trong khi sinh viên đến từ "các nước vùng đỏ" sẽ phải cách ly 14 ngày.
Báo cáo công bố tháng 12-2019 cho biết có khoảng 130.000 sinh viên quốc tế, từ 136 quốc gia, đang theo học tại Malaysia.
Malaysia đã bắt đầu dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế đi lại khi đang kiểm soát thành công dịch bệnh. Ngày 19/6 Malaysia ghi nhân 6 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 8.535, trong đó có 121 ca tử vong. Số bệnh nhân đã hồi phục hiện chiếm 94,6% tổng ca nhiễm virus.
Cảnh sát Philippines kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại tỉnh Rizal phía đông Manila. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)