Phản ánh vụ việc đến Báo An Giang, bà Nguyễn Thị H.N cho biết, qua giới thiệu, bà quen biết bà Trương Thúy H. (sinh năm 1961, ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên). Tháng 5-2014, bà H. vay 40 triệu đồng và thanh toán đầy đủ. Đến ngày 27-1-2015, bà H. tự viết, ký tên trong biên nhận hỏi vay 130 triệu đồng, nói “chờ có tiền sẽ trả luôn tiền gốc, lãi”. Bên cạnh đó, bà H. còn đưa thẻ ATM ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh tỉnh An Giang (BIDV) và giao giấy chứng minh nhân dân gốc cho bà H.N. Nhận tiền xong, 13 ngày sau (10-2) bà H. viết biên nhận, ký tên hỏi vay thêm 20 triệu đồng, cũng nói “chờ có tiền sẽ trả luôn tiền gốc, lãi”.
“Lúc đó, tôi hơi lo sợ nhưng người quen luôn nói “có gì đâu mà sợ”. Gia đình của bà H. ổn định, có chồng làm việc, con làm bác sĩ. Qua tiếp cận, tôi thấy lời nói là đúng và từ đó hai bên tiếp tục qua lại. Đến khi tôi hỏi về số nợ, lúc đầu bà H. than đang kẹt tiền, hứa hẹn trả, sau đó im lặng và tìm cách né mặt tôi. Thấy bà H. cố ý không trả tiền, tôi nhắc nhở rồi tìm đến tận nhà đòi nợ nhưng nhiều lần không có kết quả. Sau đó, qua người thân của gia đình và tôi thông tin đến con trai bà H. nhờ giúp đỡ, nhưng bị làm khó, hăm dọa. Ngày 6-7-2020, tôi làm đơn khởi kiện đến TAND TP. Long Xuyên yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết, buộc bà H. trả 150 triệu đồng, không tính lãi.
Đến khi tòa án mời hai bên đến hòa giải, bà H. nói không có mượn 150 triệu đồng, dù tự tay bà viết và ký tên trong hợp đồng vay tiền. Bà H. còn cho rằng tôi cho vay nặng lãi, không chịu ký tên vào biên bản và giả vờ ngất xỉu.
Sau đó, tòa án triệu tập bà đến trụ sở để xem xét giải quyết nhưng 2 lần bà không đến. Dù phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 9-4-2021, tòa án chấp nhận yêu cầu của tôi nhưng bà H. vắng mặt. Như vậy, ai sẽ thanh toán số nợ cho tôi?” - bà N. thắc mắc.
Hợp đồng vay 130 triệu đồng giữa hai bên
Qua điện thoại và qua cơ sở được biết, bà H. không có mặt ở địa phương và phóng viên không liên lạc được. Thông qua các “Biên bản không tiến hành hòa giải được” của TAND TP. Long Xuyên và tờ tường trình của bà H. cung cấp cho tòa án cho thấy, bà H. có vay tiền của bà N. Việc vay tiền có làm biên nhận, bà không giữ bản chính và không nhớ lãi suất thỏa thuận, cũng như thời gian vay.
Tuy nhiên, bà H. khẳng định số tiền bà N. yêu cầu trả là tính gộp số tiền gốc cùng lãi cho vay 30%. Bà H. thừa nhận chỉ vay của bà N. 60 triệu đồng, không đồng ý số tiền 150 triệu đồng bà N. đưa ra. Về 2 tờ biên nhận, bà H. thừa nhận có ký tên, lăn tay ở hợp đồng vay tiền ngày 27-1-2015 và tờ biên nhận ngày 10-2-2015, nhưng do bị bà N. ép buộc.
Qua đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị H.N, TAND TP. Long Xuyên thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm số 269/2020/TL-ST-DS ngày 14-10-2020 về việc tranh chấp “Hợp đồng vay tài sản”. Sau đó, cơ quan tòa án thực hiện các bước theo quy định và quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 24-3-2021. Tuy nhiên, đến ngày quy định, bị đơn vắng mặt nên tạm hoãn phiên tòa; thông báo mở lại phiên tòa dân sự sơ thẩm ngày 9-4-2021.
Đến ngày quy định, bà H. tiếp tục vắng mặt và phiên tòa dân sự sơ thẩm được xét xử theo quy định. Kết quả, Bản án số 66/2021/DS-ST ngày 9-4-2021 quyết định: chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H.N; buộc bà Trương Thúy H. có nghĩa vụ thanh toán cho bà N. số tiền 150 triệu đồng và chịu án phí dân sự sơ thẩm 7,5 triệu đồng.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, bà H. vắng mặt trong phiên tòa xét xử ngày 24-3-2021 được coi là vắng mặt lần thứ 1, nên tòa án cho hoãn phiên tòa. Đến phiên xét xử lần thứ 2, bị đơn vắng mặt là bị mất quyền lợi và phiên tòa thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, bị đơn có quyền làm đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, sau 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án sơ thẩm hoặc bản án được niêm yết tại nơi bị đơn cư trú, nếu bà H. không kháng cáo thì coi như bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và bản án sẽ được thi hành án theo quy định. Theo đó, dù bà H. không tham dự phiên tòa nhưng phải có nghĩa vụ thanh toán 150 triệu đồng cho bà N.
Bài, ảnh: N.R