Toàn thế giới đã ghi nhận 235,84 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

05/10/2021 - 07:43

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 27-9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 235,84 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4,81 triệu người không thể qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 212,75 triệu người.

Người dân di chuyển trên phố ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 76,32 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 59,44 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 53,53 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 37,87 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Phi (8,41 triệu ca nhiễm) và châu Đại Dương (238.851 ca nhiễm).

Tình hình dịch bệnh tại châu Á đã có những dấu hiệu cải thiện, đặc biệt tại các nước như Nhật Bản và Indonesia. Nhiều nước cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh được cải thiện với mục tiêu sống chung an toàn với COVID-19. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Iran, Philippines, Thái Lan vẫn là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 10.000 đến 20.000 ca. 

Ngày 4-10, Indonesia đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp kỷ lục với chỉ 922 ca trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 11-6-2020, số ca xét nghiệm dương tính tại quốc gia Đông Nam Á này xuống dưới ngưỡng 1.000 ca/ngày. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày chỉ ở mức 0,006%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 30% vào giữa tháng 7 vừa qua. Đến nay, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trên 147 triệu người, trong đó 94,2 triệu người được tiêm mũi một và 53 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi.

Cùng ngày, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận 87 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày đầu tiên kể từ tháng 11-2020, Tokyo ghi nhận số ca mắc mới dưới 100 ca/ngày. Theo báo cáo, số các ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại Tokyo ở mức 196,7 ca/ngày. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Malaysia, từ ngày 4-10, khoảng 143.000 học sinh trên toàn quốc, ngoại trừ các bang Kedah và Johor, đã quay trở lại trường học sau khoảng 6 tháng gián đoạn học tập hoặc học trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Giáo dục Malaysia, Tiến sĩ Radzi Jidin, cho biết việc đưa học sinh trở lại trường cũng là để hệ thống giáo dục hoạt động trở lại. Về phía phụ huynh, bên cạnh những phản ứng tích cực cũng có một số ý kiến cho rằng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để học sinh trở lại trường học. Tuy nhiên, theo ông Radzi, phụ huynh có quyền lựa chọn cho con đi học trực tiếp hoặc để các em ở nhà học trực tuyến nhưng cần thông báo trước cho nhà trường.

Trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên, giới chức y tế Malaysia đặt mục tiêu đến tháng 11 tới sẽ tiêm ít nhất một mũi cho 60% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-17 và tiêm đầy đủ cho 80% số này trước khi đến mùa tựu trường năm học mới 2022-2023.

Tại Hàn Quốc, ngày 4-10, giới chức cảng Incheon thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với tàu du lịch quốc tế từ tháng 3-2022, hơn hai năm sau khi lệnh trên được áp đặt đối với tàu du lịch. Chính phủ Hàn Quốc áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với các tàu hạng sang vào tháng 2-2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi phát hiện 130 ca bệnh trên một tàu du lịch được cách ly ngoài khơi bờ biển Nhật Bản gần thành phố Yokohama.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Nga đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Ngày 4-10, nước này ghi nhận 25.781 ca mắc mới - cao nhất kể từ ngày 2-1-2021. Hiện giới chức Nga đã hối thúc người dân nước này đi tiêm chủng, khẳng định đây là biện pháp duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Một số địa phương có kế hoạch ban hành quy định yêu cầu người tới các khu vực công cộng cần trình chứng nhận đã tiêm chủng, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính và bằng chứng đã miễn dịch COVID-19. 

Tại Đức, nhiều bang bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó có quy định đeo khẩu trang tại trường học để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục liên bang Anja Karliczek khuyến cáo nếu dỡ bỏ hoàn toàn các quy định về bắt buộc đeo khẩu trang, các trường cần đảm bảo tiếp tục thực hiện các xét nghiệm COVID-19 và thậm chí là tăng tần suất xét nghiệm nhằm đề phòng nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại môi trường có nhiều rủi ro này.

Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)