Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Sullana, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN
Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới với 608 ca trên mỗi 100.000 dân, tiếp đến là Bulgaria với tỷ lệ 361 ca, Cộng hòa Bắc Macedonia với 348 ca, Montenegro là 344 ca, Hungary là 325 ca và CH Séc là 291 ca/100.000 dân.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 47.453.950 ca mắc và 776.311 ca tử vong. Để giảm bớt thiệt hại cho ngành du lịch và tạo điều kiện cho các gia đình bị ly tán do biện pháp kiểm soát dịch, Mỹ đã mở cửa cho du khách quốc tế sau hơn 18 tháng hạn chế do tác động của đại dịch COVID-19. Theo quy định, du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ, nhưng phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng và kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 3 ngày trước khi khởi hành. Các giấy tờ này có thể là giấy chứng nhận, ảnh chụp giấy chứng nhận hoặc chứng nhận điện tử. Chính sách mới này được công bố lần đầu tiên vào tháng trước, áp dụng cho cả đường bộ và đường hàng không.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này chấp thuận các loại vaccine mà người đến đã tiêm chủng là các loại vaccine được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp, bao gồm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca, Covaxin, Covishield, BIBP/Sinopharm và Sinovac.
Đối với những hành khách chưa được tiêm chủng và trẻ em dưới 18 tuổi, họ phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi lên đường.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho em bé 6 tuổi tại Hartford, Connecticut, Mỹ, ngày 2/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ cũng đang triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Ước tính có khoảng 28 triệu trẻ em ở Mỹ đủ điều kiện tiêm chủng và loại vaccine được sử dụng là của hãng Pfizer/BioNTech.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng sẽ mua thêm 1,4 triệu liệu trình thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống của hãng dược phẩm Merck & Co Inc để điều trị COVID-19, nâng tổng số liều trình mà nước này đặt hàng mua lên 3,1 triệu liều với tổng giá trị lên tới 2,2 tỷ USD.
Tương tự, Thái Lan đang xúc tiến mua 2 loại thuốc uống kháng virus để điều trị COVID-19, trong đó có thuốc Molnupiravir. Theo ông Atthasit Srisubat, cố vấn Bộ Y tế Thái Lan, nếu được thông qua, loại thuốc này sẽ được giao vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1/2022. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán thêm với Pfizer về việc mua loại thuốc điều trị COVID-19 là Paxlovid.
Về tình hình COVID-19 tại Thái Lan, trong 24 giờ qua số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này đã giảm xuống dưới ngưỡng 7.000. Cụ thể, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 6.904 ca nhiễm cùng 61 trường hợp tử vong, đưa tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 1.982.495 ca, trong đó có 19.764 người không qua khỏi.
Tại Campuchia, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này đã ra yêu cầu đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo trên cả nước cho đến khi có thông báo mới, vì trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo thống kê trong giai đoạn 2016-2020, Campuchia có 5.003 trường và 10.357 lớp mẫu giáo, trong đó có 132 lớp học trong chùa. Sau thông báo trên, dự kiến 289.136 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ tiếp tục ở nhà.
Tính từ ngày 1/11, Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 194.228 trẻ em 5 tuổi, đạt 63,82% trong tổng số 304.317 trẻ trong độ tuổi này. Tính đến ngày 8/11, 13,9 triệu người trên tổng số khoảng 16 triệu dân Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 9,6 triệu người đã tiêm đủ liều vaccine. Trong khi đó, gần 2 triệu người, bao gồm lực lượng y tế, an ninh và người dân sinh sống ở thủ đô Phnom Penh, đã được tiêm mũi vaccine tăng cường.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho các nhân viên y tế nhằm đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch. Đợt tiêm tăng cường đầu tiên dự kiến được triển khai vào từ tháng 1-2/2022, tập trung vào số nhân viên y tế trực tiếp tham gia hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Các đợt tiếp theo sẽ dành cho nhóm người cao tuổi, người có bệnh lý nền, cán bộ công chức và lực lượng vũ trang.
Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 3 ca tử vong và 1.049 ca mắc mới, trong đó có 1.045 ca cộng đồng, tăng hơn 263 ca so với một ngày trước đó. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là tâm dịch với 512 ca cộng đồng trong cùng ngày. Tính đến nay, số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 48.891 ca, trong đó có 89 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Indonesia, người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết chính phủ nước này đang có kế hoạch phối hợp với các trường học để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi.
Theo bà Siti, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho khoảng 26 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi trên cả nước, theo đó cần ít nhất 50 triệu liều vaccine.
Liên quan đến vấn đề vaccine, nhiều nguồn tin cho biết Ấn Độ có thể nối lại việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX trong vài tuần tới, sau 7 tháng tạm dừng do sự bùng phát dịch ở trong nước.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hiện nước này dư thừa hơn 159 triệu liều vaccine các loại do tiến độ tiêm chủng chậm lại sau khi 79% trong số 944 triệu người trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi và 37% tiêm đủ liều.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu ống tiêm để phục vụ chương trình tiêm phòng COVID-19 vào năm 2022. Chuyên gia thuộc WHO Lisa Hedman nói khoảng 6,8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, trong khi tổng công suất sản xuất ống tiêm phục vụ tiêm chủng là khoảng 6 tỷ ống/năm.
Điều này có nghĩa là thế giới có thể thiếu hụt tới 2 tỷ ống tiêm vào năm tới nếu không có thêm các nhà máy chuyển sang sản xuất ống tiêm phục vụ tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, nếu các nhà máy chuyển sang sản xuất ống tiêm hay tăng công suất thì sẽ phải mất thời gian và thêm nhiều khoản đầu tư mới.
Bà Hedman nhấn mạnh rằng tình trạng thiếu hụt ống tiêm có thể dẫn tới sự trì hoãn trong chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhất là đối với trẻ em, và các dịch vụ y tế khác cũng như việc tái sử dụng ống tiêm và kim tiêm đã qua sử dụng, nhất là ở các nước nghèo.
Theo THANH HƯƠNG (TTXVN)