Toàn thế giới đã ghi nhận trên 282 triệu ca mắc COVID-19

29/12/2021 - 08:02

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 28-12 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 282.065.426 ca mắc COVID-19 và 5.426.068 ca tử vong. Số ca hồi phục là 251.492.611 ca.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 22-12-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 53.791.852 ca mắc và 839.605 ca tử vong. Do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong tại Mỹ đã tăng mạnh trong mùa đông này. Cụ thể, Mỹ đã ghi nhận trung bình hơn 176.000 ca mắc mới/ngày; riêng ngày 27/12 ghi nhận gần 300.000 ca, mức cao nhất kể từ ngày 8/1 năm nay. Mỹ cũng đang chứng kiến trung bình 1.200 ca tử vong/ngày. Vào ngày 21/12 vừa qua, Mỹ ghi nhận 2.200 ca tử vong, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ ngày 8/10. Trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua, trên 69.000 người đã phải nhập viện vì COVID-19 trong bối cảnh Omicron đang dần thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo ở Mỹ.

Tại châu Âu, nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, như Đan Mạch với 16.164 ca, Iceland 672 ca, CH Cyprus 1.925 ca. 

Hy Lạp thông báo sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng cao kỷ lục. Cụ thể, từ ngày 3 - 16/1/2022, quy định bắt buộc đeo các loại khẩu trang chuyên dụng KN94, FFP2 hoặc khẩu trang y tế 2 lớp trong các cửa hàng và phương tiện công cộng sẽ được áp dụng đối với cả các không gian công cộng đông người, kể cả trong và ngoài trời, cũng như đối với các nhân viên phục vụ ăn uống. Các cơ quan nhà nước và tư nhân phải bố trí luân phiên 50% số nhân viên làm việc giãn cách tại nhà. Các địa điểm tổ chức sự kiện và ăn uống (nhà hàng, quán cà phê, câu lạc bộ, quán bar,...) chỉ phục vụ ngồi tại bàn và mỗi bàn chỉ phục vụ tối đa 6 khách, song phải đóng cửa trước 12h đêm. Các sự kiện thể thao chỉ cho phép số lượng khán giả theo dõi trực tiếp tương đương 10% sức chứa của sân vận động; Những người đến thăm viện dưỡng lão và bệnh viện sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bologna, Italy. THX/TTXVN

Trong khi đó, Italy sẽ thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 và tăng cường xét nghiệm sàng lọc trong trường học nhằm chống lại sự lây lan của biến thể Omicron. Sau 1 năm kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 27/12/2020, Italy đã thực hiện được 108 triệu lượt tiêm chủng, trong đó 90% đối tượng trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Ước tính trung bình mỗi ngày Italy triển khai khoảng 523.000 lượt tiêm chủng - vượt mục tiêu 500.000 lượt được đề ra lúc đầu và có xu hướng được đẩy mạnh hơn nữa.

Tại châu Á, Trung Quốc đã mở rộng lệnh phong tỏa tại miền Bắc nước này trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đã tăng lên mức cao nhất trong 21 tháng. Trung Quốc đã ghi nhận 209 ca mắc mới, trong đó có 182 ca trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong cộng đồng ghi nhận theo ngày cao nhất ở Trung Quốc kể từ tháng 3/2020. Xu hướng số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần qua đã buộc nhà chức trách phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt tại thành phố Tây An. Thành phố này đã thiết lập hơn 4.400 điểm lấy mẫu xét nghiệm, trong khi 13 triệu dân thành phố đang phải cách ly ngày thứ 6 liên tiếp. Trong khi đó, thành phố Diên An, cách Tây An 300 km, đã phải đóng cửa các doanh nghiệp và yêu cầu hàng trăm nghìn người dân tại một quận phải ở nhà.

Tại Lào, cơ quan chuyên trách phòng chống COVID-19 của thủ đô Viêng Chăn thông báo yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm phục vụ các loại đồ uống có cồn tại các nhà hàng và các tụ điểm giải trí khác, đồng thời nghiêm cấm việc tổ chức tụ tập, tiệc tùng dưới mọi hình thức để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch 2022 sắp tới. Thông báo nêu rõ mọi quán rượu, quán bar hoặc các địa điểm giải trí mở cửa và phục vụ đồ uống có cồn trong dịp Tết Dương lịch 2022 sẽ bị đóng cửa và thu hồi giấy phép kinh doanh ngay lập tức, trong khi các chủ doanh nghiệp sẽ bị phạt và bị truy tố nếu xác định có hành vi làm lây lan dịch COVID-19. Thông báo cũng nghiêm cấm mọi hình thức tụ tập và tiệc tùng nhân dịp Năm mới. Các cấp chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, giải tán các vụ tụ tập và tiệc tùng, thậm chí được phép bắt giữ người vi phạm lệnh cấm này.

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã quyết định cấm mọi hoạt động ăn mừng quy mô lớn nhân dịp Năm mới, trong khi khách mời tham dự các cuộc tụ tập riêng tư phải trình đủ xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Malaysia cũng đã quyết định rút ngắn thời gian giãn cách tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với 8 nước châu Phi - những nơi đầu tiên thông báo ghi nhận các ca nhiễm biến thể  Omicron, với lý do biến thể mới này đã lây lan trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ riêng ở các nước châu Phi này. Tuy nhiên, 8 nước châu Phi này, trong đó có Nam Phi, Zimbabwe, Mozambique và Malawi, vẫn sẽ nằm trong danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm cao, theo đó các du khách đến từ các quốc gia này phải tuân thủ các biện pháp hạn chế bổ sung khi nhập cảnh vào Malaysia.

Indonesia, nước láng giềng của Malaysia, đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Người đàn ông này không ra nước ngoài hay tiếp xúc với du khách nước ngoài trong thời gian gần đây. Người này không có triệu chứng mắc bệnh và đang được cách ly tại một bệnh viện ở thủ đô. Hiện Indonesia ghi nhận tổng cộng 47 ca nhiễm biến thể Omicron, hầu hết là ca nhập cảnh. Chính phủ Indonesia cũng quyết định tăng cường xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh, sau khi xét nghiệm sàng lọc sót một ca nhiễm biến thể Omicron tại địa điểm cách ly tập trung Wisma Atlet ở Jakarta.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Osaka đã xác nhận một ổ dịch liên quan đến biến thể Omicron, bao gồm 5 người tại một nhà dưỡng lão trong thành phố. Mặc dù đây không phải là các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Nhật Bản, song đây là ổ dịch đầu tiên liên quan đến biến thể này. 

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người dân "nhiều nhất có thể" do lo ngại về biến thể Omicron cho dù nước này vẫn chưa ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron tăng lên. Cho đến nay, hơn 77% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ cũng đang rút ngắn thời gian chờ giữa mũi tiêm thứ 2 và thứ 3 từ 8 tháng xuống 6 tháng cho các nhân viên y tế và người lớn tuổi.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền vùng lãnh thổ này thông báo siết chặt các quy định cách ly với các thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay vận chuyển hàng hóa để giảm thiểu nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới do biến thể Omicron.

Hong Kong đã phát hiện hàng chục ca nhiễm biến thể mới nhờ xét nghiệm thường xuyên trong khu cách ly nhưng chưa có ca lây nhiễm cộng đồng nào trong những tháng gần đây. Nhiều ca mắc mới nhiễm biến thể Omicron được phát hiện trong nhóm các thành viên phi hành đoàn. Theo quy định hiện hành, nhóm này đang được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong khi những nhóm khác được yêu cầu cách ly ở các khách sạn. Theo các biện pháp mới, các thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay vận tải hàng hóa phải cách ly 3 ngày trong khách sạn trước khi trở về nhà để tiếp tục cách ly. Hầu hết các ca mắc mới ghi nhận gần đây trong nhóm các thành viên phi hành đoàn đều được xác nhận trong 3 ngày đầu tiên sau khi trở về.

Theo MINH CHÂU (TTXVN)