Hành khách tại sân bay Logan ở Đông Boston, bang Massachusetts, Mỹ ngày 13-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê, trong 1 tháng qua, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát hồi đầu năm 2020. Tính riêng trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm, với mức trung bình trên toàn thế giới là 412.700 ca/ngày, giảm gần một nửa so với mức kỷ lục theo ngày được ghi nhận trong tuần đầu của tháng 1/2021 là 743.000 ca.
Như vậy, số ca mắc mới hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc trường Đại học tổng hợp Geneva (Thụy Sĩ), nhà dịch tễ học Antoine Flahault cho rằng: "Dù ít hay nhiều, ở mọi nơi trên thế giới đều ghi nhận mức giảm khá nhiều về dịch bệnh".
Thống kê cho thấy các khu vực trên thế giới đều ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm trong tuần qua. Tại Mỹ và Canada, số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm 24%; tại châu Phi giảm 20%; châu Á giảm 18%, châu Âu giảm 15%, Mỹ Latinh và vùng Caribe giảm 10% và Trung Đông giảm 2%. Riêng tại châu Đại dương, virus SARS-CoV-2 dường như không tồn tại, với số ca nhiễm mới hàng ngày ghi nhận chỉ còn 12 ca.
Hai quốc gia có mức giảm mạnh nhất trong tuần này là Bồ Đào Nha, giảm 54% và Israel giảm 39%. Nhà nước Do Thái cũng tự hào có chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới, với 44% dân số đã được tiêm một liều và 28% được tiêm đủ hai liều. Tây Ban Nha là nước có tỷ lệ giảm lớn thứ ba với 39%, tiếp theo là Nam Phi với 37%, Colombia và Nhật Bản cùng 35%.
Mặc dù vậy, ông Antoine Flahault khẳng định rằng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại hoàn toàn có thể xảy ra nếu các chính phủ lặp lại những "sai lầm" trong quá khứ khi vội vàng dỡ bỏ các biện pháp cách ly phong tỏa quá sớm như mùa Hè năm ngoái tại châu Âu. Số ca được khẳng định nhiễm virus chỉ phản ánh một phần nhỏ con số thực tế, vì các quốc gia khác nhau có cách tính và xét nghiệm khác nhau.
Một số nước có số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng, nhiều nhất tại Iraq tăng 81% mỗi ngày, tiếp theo Jordan tăng 34%, Hy Lạp tăng 29%, Ecuador tăng 21% và Hungary tăng 16%.
Theo PHƯƠNG HOA (Báo Tin Tức)