Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn chia sẻ, nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm thẳng hàng với Trái Đất ở giữa. Do có Trái Đất chắn phía trước nên Mặt Trăng chỉ nhận được rất ít ánh sáng tới từ Mặt Trời.
Do vậy chúng ta sẽ thấy nó tối hơn nhiều so với trăng tròn thông thường và thường có màu đỏ thẫm (với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần) hoặc đỏ nhạt (với nguyệt thực nửa tối).
Theo ông Tuấn Sơn, nguyệt thực cuối tháng 1 này là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm 2018 đối với người quan sát tại Việt Nam bởi hơn 150 năm mới xuất hiện lại. Trong ngày này, không chỉ chúng ta có thể quan sát trọn vẹn tất cả các pha với tổng thời gian kéo dài tới 5 giờ 17 phút, mà còn vì ngày xảy ra nguyệt thực trùng vào thời điểm Mặt Trăng đi qua điểm cận địa (điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó).
“Việc Mặt Trăng đi qua cận địa vào đúng đêm trăng tròn thường còn được gọi là "siêu trăng", do đó nhìn từ Trái Đất chúng ta sẽ thấy Mặt Trăng lớn hơn những đêm trăng tròn thông thường một chút. Việc nguyệt thực và siêu trăng trùng nhau càng khiến cho việc quan sát này thú vị hơn”, ông Tuấn Sơn cho biết.
Siêu trăng sẽ xuất hiện vào tối 31-1 này.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cũng cho hay, tối 31-1 cũng là lần thứ hai Mặt Trăng đạt pha tròn trong tháng 1 (lần trước là tối 2-1). Theo một số văn hóa phương Tây thì lần trăng tròn thứ hai trong tháng 1 này được gọi là "Trăng xanh". Tuy nhiên đây là một khái niệm mang ý nghĩa văn hóa, Mặt Trăng tất nhiên sẽ không có màu xanh, và đối với tối 31-1, nguyệt thực sẽ khiến Mặt Trăng có màu đỏ thẫm.
Bất cứ nơi nào ở Việt Nam cũng có thể quan sát hiện tượng này, nếu như thời tiết thuận lợi (không mưa, không có mấy che khuất Mặt Trăng) - nói dễ hiểu hơn, nếu nhìn thấy Trăng thì tức là thấy được nguyệt thực.
Theo giờ Việt Nam, nguyệt thực sẽ bắt đầu pha nửa tối lúc 17h51 ngày 31-1, sau đó bắt đầu sang pha một phần vào lúc 18h48. Pha toàn phần kéo dài từ 19h51 đến 21h07 với cực đại rơi vào 20h29. Tới 22h11 thì pha một phần kết thúc và tới 23h08 cùng ngày pha nửa tối cũng kết thúc.
Nguyệt thực có thể quan sát bằng mắt thường, hoàn toàn không có hại cho mắt và ngay cả khi không có kính thiên văn thì hiện tượng vẫn rất hấp dẫn. Tất nhiên, nếu có kính thiên văn, ống nhòm hoặc các camera có độ phóng đại quang học tương đối lớn thì việc quan sát sẽ thú vị hơn.
Theo THANH HẢI (Vietnamnet)