Tôn vinh tác phẩm văn học nghệ thuật vì trẻ thơ

07/06/2021 - 08:07

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ hai - năm 2021 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) sáng lập và tổ chức chỉ sau ba tháng phát động đã thu hút gần 120 tác phẩm dự thi, tăng 10 tác phẩm so với năm trước. Sự phong phú, chất lượng từ các tác phẩm đoạt giải đồng hạng Khát vọng Dế Mèn và 16 tác phẩm tiêu biểu lọt vào vòng chung khảo cho thấy đề tài văn học thiếu nhi đang được quan tâm, khích lệ.

Ban tổ chức trao giải Khát vọng Dế Mèn cho nhà văn Bình Ca. (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)

Năm giải đồng hạng Khát vọng Dế Mèn được trao cho ba lĩnh vực: Văn học (gồm cả truyện tranh), mỹ thuật và phim, gồm các tác phẩm: Tiểu thuyết "Ði trốn" của nhà văn Bình Ca; phim hoạt hình "Khúc gỗ mục" của Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, NSND Nguyễn Thị Phương Hoa đạo diễn; chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của tác giả Xèo Chu; truyện tranh "Ly và Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!" của tác giả Mèo Mốc; bộ truyện "Khác biệt mới tuyệt làm sao" của tác giả Nguyễn Hoàng Vũ và nhóm các họa sĩ.

Mùa giải năm nay, có khá nhiều tác phẩm của những cây bút chuyên nghiệp. Ban giám khảo cho biết, khoảng 15 trong tổng số 50 bản thảo dự giải đủ điều kiện in thành những đầu sách chất lượng. Ðáng chú ý, có sáu tác phẩm dự thi của các tác giả độ tuổi thiếu nhi vượt qua vòng sơ loại, trong đó có hai bản thảo tiểu thuyết thuộc thể loại giả tưởng, dung lượng khoảng 200 trang của một em học sinh lớp ba và một em học sinh lớp sáu. Riêng tiểu thuyết của em học sinh lớp 6 viết trực tiếp bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt, được các bạn cùng lớp vẽ tranh minh họa, và đó mới chỉ là phần một trong trọn bộ bốn phần dự kiến sẽ được viết. Ðây là tín hiệu đáng mừng, đầy hy vọng cho những mùa giải Dế Mèn sau.

Năm giải đồng hạng Khát vọng Dế Mèn được đánh giá tốt về chất lượng nghệ thuật. Tiểu thuyết "Ði trốn" của nhà văn Bình Ca là sự hòa quyện của ký ức tuổi thơ trong chiến tranh và cuộc phiêu lưu thú vị. Tính hấp dẫn của "Ði trốn" thể hiện qua ngôn ngữ, tình huống, bối cảnh không gian, làm nổi bật câu chuyện, phẩm chất của một thế hệ trẻ thơ lớn lên trong chiến tranh.

Bộ sách tranh bốn cuốn "Khác biệt mới tuyệt làm sao" của tác giả Nguyễn Hoàng Vũ và nhóm họa sĩ mang đến thông điệp quý báu dành cho trẻ em về thái độ tôn trọng sự khác biệt. Tác giả Mèo Mốc (tên thật là Ðặng Quang Dũng) từng dự thi và chưa đoạt giải ở mùa thứ nhất đã thuyết phục được Ban giám khảo với truyện tranh "Ly và Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!" có nội dung xoay quanh câu chuyện một gia đình thành thị về quê ăn Tết. Tác phẩm khai thác ngôn ngữ linh hoạt, góc nhìn trẻ trung, hài hước và nhân văn về Tết.

Họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật là Phó Vạn An, sinh năm 2007) với những bức tranh vẽ phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống đầy trong trẻo, thuần khiết thể hiện vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ giữa những ngày tháng bị dịch bệnh bủa vây cũng giành giải Khát vọng Dế Mèn. Xèo Chu vẽ tranh từ năm bốn tuổi, đến nay vẽ được hơn 300 bức, từng triển lãm cá nhân ở trong nước và tại Xin-ga-po, Mỹ.

Từ hơn 20 phim, sê-ri phim dự giải Dế Mèn, trong đó rất nhiều phim hoạt hình, giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho "Khúc gỗ mục", bộ phim hoạt hình dài 14 phút của Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam do NSND Nguyễn Thị Phương Hoa đạo diễn. Phim kể về hành trình của khúc gỗ mục, một thời từng là bộ phận quan trọng nhất của con thuyền lớn, gọi là "sống đầu". Khi nằm trên bờ biển vắng, mơ về quá khứ hào hùng vẫn cảm thấy mình có ích, là nơi che chở cho con chim nhỏ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định: Có một chút đáng tiếc khi Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ hai chưa tìm được tác phẩm vượt trội để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng các tác phẩm dự giải, đoạt giải vẫn khái quát được sự phong phú và phát triển của mảng văn học thiếu nhi. Mỗi tác phẩm đã mang đến một thế giới, một đời sống thú vị cho trẻ nhỏ. Ở đó có tình thương yêu con người, vẻ đẹp thiên nhiên, ước mơ trong sáng, điều tốt đẹp giản dị… và tất cả đều hướng về trẻ em. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các cây bút chuyên nghiệp bên cạnh các cây bút nhí ở độ tuổi thiếu niên cho thấy tinh thần tiếp nối thế hệ, thái độ quan tâm tới thế giới trẻ thơ. Giải thưởng là nguồn cảm hứng, động lực để văn học thiếu nhi phát triển, đồng thời tác động đáng kể đến sự quan tâm của xã hội dành cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Một trong những yếu tố làm nên thành công của giải thưởng chính là tính đa dạng. Các tác phẩm văn học, hội họa, phim hoạt hình… đoạt giải đều thể hiện thẩm mỹ, trí tuệ, nhãn quan sâu sắc của các tác giả. Các em nhỏ đã mang dáng vẻ của những tác giả tài năng, tương lai của nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Theo MAI LỮ (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích