Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Việt Nam là điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu
Nhìn về tổng thể, năm 2022 nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ còn 1 chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là không đạt được). Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Việt Nam là điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm và gặp nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5% và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu ngân sách nhà nước tăng 14% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,5% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2021. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức 3,15% so với cùng kỳ; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định...
Đặc biệt, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động, tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn, xây dựng trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành các nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét; các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực hơn đối với vấn đề phát triển văn hóa, xã hội. Đã kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác cũng như nguy cơ "dịch chồng dịch", tạo cơ sở quan trọng cho việc mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng, được xem là một điểm sáng trong năm vừa qua.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống". Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiểm soát, đẩy lùi; nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ...
Trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn.
Tiếp tục đoàn kết với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa
Nhấn mạnh trong năm 2023 là năm thứ ba, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trung ương Đảng đã có Kết luận, Quốc hội đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa XIII là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần quán triệt thật sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững; chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng Bí thư chỉ rõ, tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; khẩn trương xử lý, khai thông việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ.
Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại.
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Công tác cán bộ cần làm tốt hơn nữa để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân, vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kỷ luật, kỷ cương cần được siết chặt cùng với việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".
Bên cạnh đó, tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... cần được chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại: "Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa quốc"!"
Với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2022 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, cường thịnh; ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thay mặt Chính phủ, Thủ tưởng Phạm Minh Chính tiếp thu chỉ đạo tâm huyết, sâu sắc, tổng thể, toàn diện trên các lĩnh vực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cho rằng phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư đã tạo thêm động lực, truyền cảm hứng, là nguồn động viên, khích lệ to lớn, định hướng xuyên suốt cho Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và những năm tới.
Thủ tướng cho biết, tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, triển khai bằng những hành động cụ thể, sản phẩm rõ ràng, thiết thực, lượng hóa được.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, từng đồng chí tư lệnh ngành, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, khơi dậy khát vọng, thúc đẩy tinh thần hăng say, nhiệt huyết cống hiến, đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cùng cả nước nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước tiến lên giành nhiều thắng lợi mới...
Theo TTXVN