Phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới xung quanh vấn đề này.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Thực hiện nền giáo dục cào bằng là không tưởng
- Thưa giáo sư, ông có thể cho biết đâu là những điểm khác biệt trong dự thảo chương trình các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng thì đến nay, tất cả 21 chương trình môn học và các hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới đã được hoàn thành. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố các chương trình này trên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến xã hội trong 2 tháng.
Các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được công bố lần này là cụ thể hóa của chương trình giáo dục tổng thể đã được Bộ công bố năm ngoái.
Chương trình môn học mới so với chương trình hiện hành có một số điểm mới căn bản sau.
Thứ nhất, đây là chương trình phát triển toàn diện phẩm chất năng lực của người học, nên trước hết những người làm chương trình phải phân giải được năng lực chuyên môn của từng môn học là cái gì để từ đó xác định mức độ học sinh cần đạt ở mỗi lớp, mỗi cấp học.
Ví dụ môn Ngữ văn, chương trình hiện hành tách thành ba phần là Tiếng Việt, Văn học và Làm văn. Do chủ yếu dạy kiến thức nên ba phần này rất khó phối hợp với nhau.
Chương trình Ngữ văn mới xuất phát từ việc phân tích cấu trúc của năng lực môn Ngữ văn là đọc, viết, nói, nghe. Từ đó, người biên soạn chương trình sẽ tìm xem để phát triển các kỹ năng đó thì cần dạy cho học sinh cái gì, ở lớp nào thì dạy mức độ nào, dạy như thế đạt được yêu cầu cụ thể gì.
Chương trình nào cũng phải xác định được năng lực chuyên môn của mình, phân giải năng lực đó, từ đó xác định nội dung cần dạy.
Điểm mới thứ hai là chương trình mới có tính phân hóa rõ rệt hơn so với chương trình hiện hành. Có thể nói sự phân hóa đã được thực hiện ngay từ tiểu học.
Ví dụ chương trình hiện hành dạy học sinh môn giáo dục thể chất thì tất cả học sinh đều phải học điền kinh, chạy 50m, chạy 100m, nhảy xa, hay trường nào dạy bóng chuyền thì tất cả học sinh phải học bóng chuyền.
Nói riêng về môn giáo dục thể chất thì điều đó không phù hợp với thể chất, thể trạng của tất cả các học sinh. Nói rộng ra các môn khác thì chúng ta thấy năng lực của con người là sự tích hợp giữa tiềm năng, tố chất có sẵn trong mỗi người kết hợp với rèn luyện.
Nếu chúng ta thực hiện một nền giáo dục cào bằng để tất cả học sinh đều giỏi tất cả các mặt như nhau thì đó là điều không tưởng, thậm chí có khả năng làm thui chột năng lực ở một số người.
Vì thế, chương trình mới chủ trương phân hóa và càng ở các cấp học cao, phân hóa càng sâu. Đến cấp trung học phổ thông, sự phân hóa sâu nhất, tức là phân hóa theo định hướng nghề nghiệp của học sinh. Học sinh không phải học tất cả các môn nữa mà tập trung vào một số môn theo nguyện vọng và theo định hướng nghề nghiệp của mình.
Điểm thứ ba của chương trình lần này là tính tích hợp cao. Phải dạy tích hợp vì kiến thức của nhân loại ngày càng nhiều. Nếu tách từng môn ngay từ bậc tiểu học và trung học cơ sở thì học sinh sẽ học quá sâu về môn đó, vừa quá tải vừa khó cho học sinh tổng hợp kiến thức để vận dụng trong cuộc sống.
Tiểu học nhiều môn tích hợp hơn, trung học cơ sở có tích hợp nhưng ở mức độ khác hơn, có tách môn. Bậc trung học phổ thông thì sự tích hợp chỉ ở mức liên hệ, các môn tách riêng. Điều này phù hợp với khả năng nhận thức của người học.
Điểm thứ mới thứ tư của các chương trình môn học là tăng cường tính thiết thực, tính thực hành. Trước nay, chúng ta vẫn nói học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Nhưng trên thực tế, có nhiều môn càng ngày càng xa với thực tiễn, học sinh học xong không biết làm gì. Các em học kiến thức trên lớp, làm bài kiểm tra để trả lại cho thầy cô những điều thầy cô đã nói.
Chương trình môn học mới sẽ chọn những nội dung thực sự cần thiết cho con người. Bên cạnh đó là tăng tính thực hành lên. Học sinh học thông qua thực hành chứ không thuần túy qua sự truyền giảng của các thầy cô.
Khi triển khai chương trình mới, học sinh sẽ ngồi theo nhóm. (Ảnh: TTXVN)
Sẽ giảm tải cho học sinh
- Nội dung dạy học sẽ thiết thực hơn, nhưng liệu có giảm tải so với hiện tại không thưa ông, khi số lượng tiết học vẫn giữ nguyên?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Khi mình đã nói là học thiết thực và thông qua thực hành thì tự nó đã giảm tải cho học sinh.
Việc giữ nguyên số tiết học hay giảm số tiết thực sự không ảnh hưởng đến sự giảm tải cho học sinh. Ngược lại, giảm nội dung học, tăng tính thực hành nhưng giữ nguyên số tiết học lại là giảm tải cho học sinh, vì cùng một khối lượng công việc nhưng được thực hiện trong nhiều thời gian hơn thì sẽ giảm áp lực hơn.
- Kiểm tra, đánh giá cũng là một khâu rất quan trọng và nó sẽ tác động trực tiếp trở lại quá trình dạy và học. Vậy khi triển khai chương trình mới, việc kiểm tra đánh giá sẽ như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Một trong những điều kiện để thực hiện thành công chương trình này là đổi mới thi cử, kiểm tra. Nếu vẫn kiểm tra, thi cử theo kiểu hỏi kiến thức học sinh, đánh giá kỹ năng giải bài tập của học sinh thì rất khó đổi mới, vì thầy cô sẽ phải tranh thủ thời gian để cung cấp cho học sinh của mình càng nhiều kiến thức càng tốt, luyện cho học sinh càng nhiều kỹ năng làm bài càng nhiều càng tốt.
Vì vậy phải có cách kiểm tra thi cử mới để đánh giá được năng lực học sinh, đồng thời hỗ trợ chương trình phát triển năng lực này.
Hiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giao cho Trung tâm Đo lường và kiểm định chất lượng giáo và dục của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nghiên cứu đề tài này và sớm trả lời cho Bộ về phương án đổi mới kiểm tra đánh giá.
Cách thi cử hiện tại sẽ ổn định đến năm 2020. Khi chương trình mới triển khai đến cấp trung học phổ thông thì sẽ có kiểm tra đánh giá theo cách mới.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)