Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỷ USD

15/01/2021 - 14:22

Theo Tổng thống đắc cử Joe Biden, đầu tư cho việc làm và sự bình đẳng chủng tộc sẽ ngăn chặn thiệt hại kinh tế về lâu dài do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/1, Tổng thống đắc cử ở Mỹ Joe Biden đã công bố đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nước này ứng phó với đại dịch.

Ông nhấn mạnh nền kinh tế Mỹ cần sự hỗ trợ khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh.

Đây là kế hoạch kích thích kinh tế đầu tiên của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Phát biểu trên truyền hình từ thành phố quê nhà Wilmington, bang Delaware, ông Biden khẳng định "trong thời điểm khủng hoảng hiện nay, không thể không hành động."

Theo ông, đầu tư cho việc làm và sự bình đẳng chủng tộc sẽ ngăn chặn thiệt hại kinh tế về lâu dài do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tổng thống đắc cử Biden nêu rõ chính phủ mới sẽ sử dụng tiền của người đóng thuế để xây dựng lại nước Mỹ, khuyến khích mua sản phẩm nội địa, tạo hàng triệu việc làm trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ.

Đề xuất của Tổng thống đắc cử Biden mang tên "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ," bao gồm nhiều biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỗi người dân Mỹ được trợ cấp thêm 1.400 USD, như vậy, cùng với khoản 600 USD được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái, tổng cộng mỗi người nhận được 2.000 USD.

Trợ cấp thất nghiệp liên bang cũng tăng từ 300 USD lên 400 USD/tuần cho mỗi người và biện pháp này có hiệu lực đến hết tháng Chín.

Kế hoạch trên còn hoãn thời gian siết nợ và tịch thu nhà đối với những người Mỹ vay tiền để mua nhà và chi 25 tỷ USD để hỗ trợ những người thuê nhà.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng dự kiến chi 350 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho các chính quyền bang và địa phương, chi 170 tỷ USD hỗ trợ các trường từ mầm non đến hết trung học phổ thông cũng như các cơ sở giáo dục cấp cao hơn.  Đối với các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch, ông Biden cam kết hỗ trợ 440 tỷ USD.

Một nội dung đáng chú ý trong đề xuất của ông Biden là nâng gấp đôi mức lương tối thiểu liên bang, lên 15 USD/giờ. Mức lương tối thiểu liên bang duy trì ở mức 7,25 USD/giờ kể từ năm 2009, mặc dù một số tiểu bang và thành phố đã thực hiện tăng lương riêng.

Đảng Dân chủ cho rằng sự "đình trệ" trong việc tăng lương là một lý do khiến tiền lương nhìn chung không có dấu hiệu cải thiện trong 12 năm qua.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa phản đối tăng lương tối thiểu, cho rằng chính sách này sẽ gây áp lực đối với các doanh nghiệp và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Đối với cuộc chiến chống COVID-19, kế hoạch của ông Biden dự kiến chi 415 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch. Trong đó, 50 tỷ USD chi cho hoạt động xét nghiệm và 20 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia.

Tổng thống đắc cử còn cam kết mục tiêu chủng ngừa cho 100 triệu người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Kế hoạch giải cứu nước Mỹ của Tổng thống đắc cử Biden đã nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng Dân chủ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi  và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cam kết nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch trên tại 2 viện.

Trước khi kế hoạch trên được công bố chi tiết, chuyên gia Michael Feroli  của JP Morgan dự báo Quốc hội Mỹ sẽ thu hẹp quy mô gói hỗ trợ của ông Biden ở mức 900 tỷ USD, tương tự gói kích thích kinh tế được thông qua  hồi tháng 12/2020.

Theo THANH HƯƠNG (TTXVN)