Gỏi cá trích
Nhắc đến đặc sản Phú Quốc, thực khách nghĩ ngay đến gỏi cá trích – món ăn nổi tiếng bởi độ tươi ngon và hương vị lạ miệng, thanh mát.
Để có món gỏi ngon, người địa phương phải chọn những mẻ cá tươi sống, kích thước đồng đều. Cá trích sau khi sơ chế sạch được đem phi lê, thái thành các lát mỏng rồi nhúng qua dấm hoặc nước cốt chanh để khử mùi tanh.
Lạc rang giã nhỏ, hành ớt, rau thơm rửa sạch bày ra đĩa, dừa tươi nạo sợi vừa ăn. Sau đó ướp cá với một số gia vị, chờ ngấm đều là có thể thưởng thức.
Món gỏi này có vị ngọt, thanh mát của cá trích và các loại rau rừng, hòa cùng vị thơm dịu của dừa nạo sợi và vị bùi ngậy của nước chấm từ lạc rang (Ảnh: Linh Dang).
Nước chấm cũng được xem như linh hồn của món gỏi cá trích khi được pha chế từ đậu phộng (lạc) xay nhuyễn, thêm nước mắm Phú Quốc và ớt băm. Khi ăn, thực khách lấy bánh tráng, thêm 1-2 miếng gỏi cá và rau thơm rồi cuộn lại, quệt với nước chấm đặc sánh.
Bún quậy
Khác với các món bún truyền thống ở các vùng miền khác, bún quậy Phú Quốc mang hương vị riêng, dễ dàng làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất. Sở dĩ món ăn có tên gọi độc đáo như vậy là bởi khi thưởng thức, thực khách phải quậy đều các nguyên liệu như bún, mực, chả tôm, chả cá,…
Bún quậy Phú Quốc - món đặc sản trứ danh đảo ngọc (Ảnh: Bích Lai).
Món bún quậy Phú Quốc được làm từ những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm nhưng lại mang hương vị đặc biệt nhờ cách chế biến cầu kỳ của người địa phương, trong đó nổi bật là nước dùng và nước chấm của món ăn.
Để làm được nước dùng ngon, đậm vị, người đầu bếp phải phi thơm sả băm, xào nhanh phần đầu, vỏ tôm trước khi đổ nước sạch và đun với lửa to. Sau đó nêm nếm gia vị cho vừa miệng, có thể hơi nhạt để làm dậy vị ngọt của tôm.
Món bún này phải ăn kèm nước chấm tự pha, gồm bột canh, đường, quất (tắc), ớt xay và phải quậy thật mạnh để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau, đảm bảo gia vị tan hết, tạo nên hỗn hợp đặc sánh có màu sắc bắt mắt.
Tiết canh cua
Một trong những món du khách không thể bỏ qua khi tới Phú Quốc là tiết canh cua. Món ăn này được chế biến từ cua huỳnh đế nổi tiếng ở Phú Quốc nên giá thành cao, có thể lên tới hàng triệu đồng một chén nhỏ.
Bởi vậy, không nhiều du khách có cơ hội được thưởng thức món ăn này khi du lịch tới đảo ngọc. Thay vào đó, người địa phương đã sử dụng các loại cua biển khác với giá phải chăng hơn.
Để làm tiết canh cua ngon , người dân nơi đây chọn những con cua biển to, tươi, khỏe, nhiều gạch, thường nặng từ 700g đến 1kg (Ảnh: Nhà hàng Sông Hương).
Những thực khách từng thưởng thức tiết canh cua nhận xét, đặc sản này có vị thơm ngon của thịt cua, ngọt béo của gạch cua và vị giòn, thanh mát của tiết cua, ăn kèm với bánh đa giòn tan, rau mùi tàu, dấp cá, có thể thêm khế chua, chuối chát.
Nhum biển
Tuy có vẻ ngoài xấu xí, kỳ dị nhưng nhum biển (hay còn gọi là cầu gai) lại là đặc sản Phú Quốc được nhiều thực khách sành ăn yêu thích, bên trong chứa phần thịt vàng ruộm, béo ngậy và mềm mọng.
Nhum biển có thể đem chế biến thành nhiều món ngon như nạo thịt để nấu cháo, bổ đôi để nướng và ăn sống tái chanh nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là nhum nướng chấm cùng muối tiêu chanh.
Nhum biển được ví như “nhân sâm biển” nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe (Ảnh: Linh Dang).
Những thực khách từng thưởng thức nhum biển nhận xét, loài hải sản này có vị ngọt mát lạ miệng, béo ngậy tự nhiên pha chút mặn mòi của biển nhưng không hề tanh hay ngấy.
Hải sâm
Hải sâm là một trong những sản vật quý hiếm của vùng biển Phú Quốc. Để bắt được hải sâm, ngư dân địa phương thường phải lặn đêm ở vùng nước sâu. Cũng bởi vậy mà chúng có giá thành cao, được thực khách sành ăn sẵn sàng chi tiền triệu để thưởng thức.
Hải sâm cũng được xem như “thần dược”, các món ăn chế biến từ loài hải sản này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như bổ máu, hỗ trợ người bị tim mạch, cao huyết áp,…
Theo Vietnamnet