Các bác sĩ khuyến cáo, TP Hồ Chí Minh hiện đã vào mùa mưa và dịch sốt xuất huyết đang tăng cao đến mức báo động. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhủ nhi đến trẻ lớn và người lớn nên phải luôn cảnh giác vì có nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nguy kịch
PGS. TS. Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện dịch sốt xuất huyết Dengue đang tăng cao và có nhiều trường hợp nặng; bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có tình trạng suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong.
Trong 5 tháng đầu năm TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 10.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhi Lý Hoàng L.V. (nữ 7 tuổi, ngụ Cà Mau) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, sốt cao, huyết động học ổn định nhưng xét nghiệm ghi nhận men gan tăng cao hơn 10 lần so với bình thường, tăng bilirubin máu. Sau nhập viện 12 giờ, tình trạng tri giác của bé xấu dần, bé hôn mê, vàng da niêm nhiều, gan to kèm men gan tiếp tục tăng cao hơn 100 lần so với bình thường. Chức năng gan giảm với NH3 (237 mmol/L), lactate (15 mmol/L) tăng rất cao, rối loạn đông máu nặng.
“Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi vẫn mê sâu, mức độ tổn thương gan vẫn diễn tiến xấu gây suy gan nặng và rối loạn đông máu. Các bác sĩ đã hội chẩn quyết định thay huyết tương thể tích lớn kết hợp với lọc máu liên tục cho bé để thay thế chức năng gan và ổn định chức năng đông máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị sốt xuất huyết Dengue gây suy gan cấp nặng”, PGS. TS. Phạm Văn Quang cho biết.
Bên cạnh đó, tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc còn cấp cứu cho 2 trường hợp nhũ nhi ở Quận 12 và thành phố Thủ Đức bị sốt xuất huyết nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch như môi tái, chi mát, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, gan to, chấm xuất huyết rải rác kèm máu cô đặc với dung tích hồng cầu lên đến 51%.
Các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ nhập viện nặng, có những trường hợp bị suy đa tạng.
“Vì sốt xuất huyết là bệnh lý gây rối loạn đông máu và các bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch nên triệu chứng xuất huyết da niêm tay chân nhiều gây thiếu máu nặng. Các bác sĩ phải khẩn trương truyền máu, các chế phẩm máu như huyết tương tươi, kết tủa lạnh và tiểu cầu để ổn định đông máu cho bé, tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết não. Ngoài ra, 2 bé còn bị suy hô hấp nặng do phù mô kẽ và tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều được hỗ trợ bằng thông khí áp lực dương liên tục qua mũi”, PGS. TS. Phạm Văn Quang thông tin thêm.
Qua tìm hiểu, cả 2 bé đều có bệnh sử khá giống nhau với 3 ngày đầu sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt lại. Qua ngày 4 có bớt sốt nhưng bé đừ, bú kém, tay chân lạnh, môi tái nên gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca nhập viện tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, nhiều trường hợp nặng cần phải cấp cứu và hiện số ca nhập viện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố ghi nhận 10.052 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 với số ca sốt xuất huyết nặng là 194 ca, tăng gần gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tuần 21 (từ ngày 20/5 đến ngày 26/5) Thành phố ghi nhận 1.402 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Phát sinh nhiều ổ dịch mới, nguy cơ bùng dịch hiện hữu
Nhận định về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù dịch bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại thành phố, thế nhưng các dấu hiệu năm nay cho thấy nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Cụ thể, số ca mắc, số ca nặng và số ca tử vong đều tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Thói quen bỏ rác bừa bãi sẽ tạo thêm các ổ để muỗi đẻ trứng xung quanh nhà, dẫn tới nguy cơ muỗi phát triển khắp nơi trong các khu dân cư.
“Dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát nhưng qua kiểm tra cho thấy vấn đề vệ sinh, dọn dẹp các vật chứa không dùng xung quanh nhà ở nhiều khu dân cư vẫn còn tồn tại, đặc biệt là các khu đất trống, người dân chưa xây dựng có rất nhiều vật chứa bị vất bỏ. Bên cạnh đó, một số khu quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án, người dân bỏ rác, vỏ xe cái vật chứa nước... khi trời mưa xuống, các vật chứa này sẽ đọng nước sẽ phát sinh lăng quăng. Đây là vấn đề hết sức quan ngại”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói.
Chẳng hạn, qua ghi nhận tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), nhiều khu vực còn các khu đất trống chưa được xây dựng có nước tù đọng, nhiều loại rác, vỏ xe… vất bỏ bừa bãi. Cùng với đó, người dân tích trữ các loại vỏ chai ngay ngoài trời có nguy cơ trở thành nơi chứa nước đọng khi có mưa.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, do đặc thù huyện có trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, một số hộ gia đình thường trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho gia súc uống hoặc dùng tưới cây cảnh tại hộ gia đình... nên thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 881 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong, 57 ổ dịch và 886 điểm nguy cơ tại 12 xã, thị trấn.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu cũng cho biết, mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực và huyện đã triển khai nhiều giải pháp với nhiều hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết là bệnh có liên quan trực tiếp đến nếp sinh hoạt thường ngày của người dân. Thói quen bỏ rác bừa bãi sẽ tạo thêm các ổ để muỗi đẻ trứng xung quanh nhà, dẫn tới nguy cơ muỗi phát triển khắp nơi trong các khu dân cư.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, toàn Thành phố ghi nhận 121 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 71 phường, xã thuộc 15/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Số ổ dịch trong tuần cũng tăng 42 ổ mới so với tuần trước đó; tích lỹ đến nay, toàn thành phố có 567 ổ dịch. Những địa phương có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước đó là Quận 8, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận Bình Tân, Tân Phú…
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, cùng với việc các địa phương huy động lực lượng tập trung dọn dẹp các vật chứa và các điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ khảo sát để thả hóa chất diệt muỗi ở những nơi khó xử lý để giải quyết trước mắt là giảm mật độ muỗi khu vực đó xuống; đồng thời tiếp tục tuyên truyền đến người dân về công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi.
“Sốt xuất huyết là bệnh có thể gây nguy hiểm và tử vong nếu chúng ta không phát hiện, xử lý kịp thời. Một trong những biện pháp khác là thông tin, truyền thông cho người dân biết khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị. Trường hợp bệnh nhân được bác sĩ cho phép điều trị, theo dõi tại nhà, cần nhận biết được những dấu hiệu, triệu chứng trở nặng để đưa ngay đến các cơ sở y tế cứu chữa kịp thời”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nói.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cũng đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức quán triệt tinh thần chống dịch quyết liệt, thực chất; tiếp tục tập trung thực hiện chỉ đạo sâu sát hơn công tác phòng, chống sốt xuất huyết để giảm thiểu tối đa số ca mắc và số ca tử vong; đánh giá đúng, đủ, toàn diện những yếu tố nguy cơ đặc thù trên địa bàn; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh; phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay nơi mình làm việc và sinh sống; thống kê chính xác các điểm nguy cơ, phân loại và đưa vào xử lý theo quy định; các điểm nguy cơ phải được phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và xử lý theo quy định…
Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin Tức)