Trả lời cử tri về lĩnh vực giáo dục

25/07/2024 - 06:43

 - UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 17 (kỳ họp cuối năm 2023) HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Cử tri huyện Chợ Mới đề nghị ngành GD&ĐT đưa môn thể dục nhịp điệu và kỹ năng sống thành môn học chính thức để học sinh được hỗ trợ miễn tiền học, đồng thời tạo sự công bằng trong môi trường giáo dục.

Theo UBND tỉnh, chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành với mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện theo 5 lĩnh vực, trong đó có phát triển thể chất (môn thể dục). tuy nhiên, từ năm học 2022 - 2023, thực hiện theo Thông tư 51/2020/TT-BGDĐT, ngày 31/12/2023 về việc sửa đổi, bổ sung chương trình giáo dục mầm non; trong đó, các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức thực hiện phát triển chương trình giáo dục nhà trường. ngoài những nội dung quy định trong chương trình giáo dục mầm non, nhà trường có thể bổ sung một số nội dung, như: làm quen ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số và những nội dung khác phù hợp với mục tiêu chương trình giáo dục mầm non (trong đó môn thể dục nhịp điệu giúp trẻ phát triển lĩnh vực thể chất) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Các hoạt động trên thực hiện ngoài giờ học chính khóa không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, dựa trên nhu cầu của phụ huynh học sinh, dưới hình thức tự nguyện có thu phí. Các trường mẫu giáo huyện Chợ mới có tổ chức hoạt động thể dục nhịp điệu, thời gian tổ chức dạy 1 tuần/2 ngày vào buổi chiều từ 16 giờ đến 16 giờ 30 phút (sau thời gian thực hiện chương trình giáo dục mầm non).

Năm học 2023 - 2024, giáo dục tiểu học huyện Chợ Mới không tổ chức dạy giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học dưới hình thức tự nguyện có thu phí. Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 28/12/2018 của Bộ GD&ĐT  không có môn kỹ năng sống, các nội dung giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục. Năm học này, huyện Chợ Mới có hơn 50% trường mầm non, mẫu giáo tổ chức một số lớp học thể dục nhịp điệu cho trẻ, việc tổ chức được dựa trên nhu cầu của phụ huynh học sinh, dưới hình thức tự nguyện có thu phí. Cấp học mầm non không dạy riêng môn kỹ năng sống; các nội dung giáo dục kỹ năng cho trẻ được lồng ghép, tích hợp vào hoạt động giáo dục hàng ngày của trẻ.

Cử tri huyện Châu Phú đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông hoặc hỗ trợ kinh phí mua, phân phối sách giáo khoa đến học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện đến trường, học tập.

Đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều ban hành hướng dẫn nhiệm vụ công tác thư viện trường học. Nội dung hướng dẫn có yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung, đáp ứng theo các yêu cầu tối thiểu của chương trình giáo dục phổ thông mới; đảm bảo cung cấp đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh đối tượng chính sách, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đối với học sinh thuộc diện chính sách (người dân tộc, học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo...), ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, hỗ trợ bằng nhiều hình thức (sử dụng kinh phí tại đơn vị, xã hội hóa hoặc từ các nguồn thu hợp pháp khác) nhằm đảm bảo cho học sinh có đầy đủ sách giáo khoa và các điều kiện tối thiểu đến trường học tập. Năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT đã được hỗ trợ từ Nhà xuất bản Giáo dục 2.650 bộ sách "Chân trời sáng tạo" cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 1.920 bộ đưa vào tủ sách dùng chung tại các cơ sở giáo dục.

Cử tri huyện Thoại Sơn đề nghị ngành GD&ĐT quan tâm, đảm bảo điều kiện thuận lợi đối với việc dạy học ở khối lớp 1 tại các cơ sở giáo dục tiểu học. Cụ thể, đảm bảo sĩ số lớp không quá 30 học sinh, thực hiện hỗ trợ tiền đối với giáo viên khối lớp 1 có tiết tăng cường các môn Toán, tiếng Việt nhằm tạo động lực và điều kiện thuận lợi để giáo viên phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực giảng dạy, rèn luyện cho học sinh.

UBND tỉnh cho biết, theo điều lệ trường tiểu học, số lượng học sinh không quá 35 học sinh/lớp. Việc phân công, bố trí giáo viên do hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm. Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 11, điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT thì hiệu trưởng trường tiểu học có quyền phân công, quản lý giáo viên trong trường theo quy định, kể cả việc phân công giáo viên chủ nhiệm lớp. Việc sắp xếp, bố trí giáo viên chủ nhiệm phải dựa trên khả năng, trình độ, tình hình thực tế của trường để phân công phù hợp, giảng dạy đạt hiệu quả. Nếu vượt định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, thì tính tiền làm thêm giờ cho giáo viên theo quy định từ kinh phí chi thường xuyên của nhà trường. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về hiệu trưởng nhà trường.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023/TT- BGDĐT, ngày 30/10/2023 về hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Sở GD&ĐT đã đề nghị Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

K.N