Trả lời phản ánh của bà Phạm Thị Hồng Thu

28/07/2022 - 05:48

 - Báo An Giang nhận được đơn của bà Phạm Thị Hồng Thu (ngụ khóm 1, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), yêu cầu giao trả lại Sơn Tô Cổ Tự (tọa lạc tại xã Núi Tô) do tổ tiên ông bà tạo lập để bà trông coi quản lý, phụng sự hương khói.

Bà Hồng Thu trình bày vụ việc

Theo bà Thu, Sơn Tô Cổ Tự và miếu bà Tây Vương Mẫu cùng một số đất đai tọa lạc tại ấp Tô Thuận (xã Núi Tô) là của bà Trần Ngọc Hương, sau để lại cho bà Quách Kim Hoa (bà nội bà Thu) quản lý, giữ gìn, gồm mảnh đất cộng với chùa miếu. Đến năm 1976, hai bà cháu bỏ công sức và tiền của để khai phá, xây dựng lại nên mới có được ngôi chùa và miếu khang trang như hôm nay.

“Tuy nhiên, tôi không biết vì lý do tại sao người chú của tôi là ông Phạm Văn Thành hiến chùa, không có bất kỳ giấy tờ đất đai nào. Sau đó, chùa bị đập phá bàn thờ Thổ trạch (mộ của bà nội tôi) và bảng tên chùa ngang cổng miếu bà Tây Vương Mẫu để xây dựng lại bảng tên mới, đặt ở chỗ khác; dự kiến xây dựng nhà vệ sinh xả thải xuống miếu (do miếu ở bên dưới thấp hơn chùa) làm mất tính tôn nghiêm, vẻ mỹ quan và ô uế nơi thờ tự. Bị phản ứng từ phía gia đình tôi nên dự kiến bất thành. Tôi khẩn thiết yêu cầu cơ quan thẩm quyền, các ngành chức năng quan tâm cứu xét giao trả lại ngôi chùa của dòng họ tôi, để tôi quản lý phụng sự hương khói làm cho tốt đời đẹp đạo” - bà Thu đề nghị.

Phía ông Thành thông tin: “Chùa là của ông bà, cha mẹ tôi để lại, nối tiếp nhau từ nhiều đời để quản lý. Sau khi mẹ qua đời, đã giao lại cho tôi trông coi quản lý từ năm 1984. Lúc bấy giờ chùa bằng cây lá, đến năm 1995 tôi mới giao cho bà Trần Thị Suồi trùng tu cất sửa lại, trông coi chùa trong 3 năm giao lại cho tôi quản lý (hiện bà Suồi đã mất).

Sau nhiều lần được chính quyền địa phương động viên, vào năm 2003, tôi gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chứ tôi không hiến hay bàn giao chùa cho giáo hội. Năm 2015, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa đại đức Thích Thiện Thông về trụ trì ngôi chùa, nhưng sư thầy tự ý đập phá bàn thờ Thổ trạch mộ bà Quách Kim Hoa; dự tính xây dựng nhà vệ sinh xả thải sang miếu bà Tây Vương Mẫu... Chúng tôi đã khóa cửa chánh điện lại. Tôi đã có đơn yêu cầu thay đổi trụ trì hoặc giao trả chùa lại cho gia đình tôi quản lý trông coi, nhưng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết”.

Qua xác minh tìm hiểu, được biết sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu của bà Phạm Thị Hồng Thu, ngày 12/7/2022, Phòng Nội vụ phối hợp UBMTTQVN huyện Tri Tôn và chính quyền địa phương xã Núi Tô tiến hành mời bà Thu đến UBND xã làm việc theo nội dung đơn yêu cầu. Qua đó, đã động viên giải thích và thông tin cho bà Thu được rõ rằng, Sơn Tô Cổ Tự trên địa bàn xã Núi Tô (chùa Cô 11) thuộc giáo sản của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang, đã được quyết định công nhận là cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 2003.

Ngày 25/3/2021, chính quyền địa phương xã Núi Tô vận động để mở cửa chánh điện (do bà Trần Thị Suồi khóa cửa, không cho trụ trì chùa thực hiện nhiệm vụ quản lý và cúng hàng ngày theo quy định của tôn giáo). Nhưng bà Suồi không chấp nhận mở khóa, dù được vận động nhiều lần. Vì vậy, người có phận sự phải phá ổ khóa để chùa hoạt động bình thường, chứ không phải “đập chùa”. Ông Phạm Văn Thành là con ruột của bà Quách Kim Hoa, việc ông Thành cam kết gia nhập vĩnh viễn vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hợp pháp, được chính quyền địa phương xác nhận.

Việc bà Thu yêu cầu trả lại Sơn Tô Cổ Tự không thuộc thẩm quyền của UBND huyện nên không thể giải quyết. Qua làm việc, bà Thu đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nhận thức được việc viết đơn yêu cầu gửi UBND huyện Tri Tôn là không đúng. Đoàn làm việc đã bác đơn yêu cầu ngày 30/6/2022 của bà Phạm Thị Hồng Thu.

K.N