Trái cây đặc sản An Giang trên mâm cúng gia tiên

15/02/2021 - 00:00

 - An Giang được xem là vựa lúa vùng ĐBSCL, với tổng sản lượng lúa mỗi năm đạt vài triệu tấn. Gần đây, trong xu thế chuyển dịch chung của tỉnh, giữa đồng lúa bạt ngàn xuất hiện nhiều vùng chuyên canh trái cây đặc sản, như: xoài, bưởi, mãng cầu... Đây đều là những loại trái cây xuất hiện trong mâm ngũ quả cúng gia tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về, thể hiện ước vọng cho năm mới sum vầy, mưa thuận gió hòa, ấm no trọn vẹn, mùa màng bội thu.

Nét đẹp truyền thống

Đón Tết Nguyên đán là truyền thống của dân tộc Việt Nam, đi cùng với Tết là các phong tục, tập quán mà ở mỗi vùng, mỗi gia đình lại chọn những cách đón Tết của riêng mình. Tuy nhiên, dù đón Tết bằng cách nào thì mâm ngũ quả đều được bày trí trang trọng trong mỗi gia đình. Dù đi làm xa, bận rộn cỡ nào, cứ vào khoảng 29-30 tháng chạp, mọi người đều trở về nhà đón Tết, cùng nhau sửa soạn, chưng mâm ngũ quả, nấu mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên. Ở miền Tây Nam Bộ, trước khi đến Tết Nguyên đán, là thời gian gắn liền với mùa thu hoạch. Cho nên, ngày Tết nơi đây luôn đầy đủ các sản vật cây trái của vùng đất phù sa màu mỡ. 

Gọi là mâm ngũ quả nhưng thường được trưng bày nhiều hơn, có khi đến cả chục loại, toàn của vườn nhà hoặc mua của bà con xóm giềng. Nhiều người quan niệm rằng, càng nhiều trái thì ý nghĩa may mắn, hạnh phúc, tài lộc càng đến nhiều với gia chủ, như: dừa xiêm, thanh long, bưởi, mãng cầu, quýt, đu đủ, xoài, nhãn… Đây đều là những loại trái cây do chính người nông dân ra sức chăm bón trong cả năm. Cũng chính những cây trái đặc sản này đã giúp ổn định kinh tế gia đình, con cái được học hành đến nơi đến chốn, phần dư ra còn dành đóng góp với địa phương xây dựng nhiều công trình mới, phục vụ đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Mỗi loại trái cây được sửa soạn dâng lên bàn thờ gia tiên đều mang ý nghĩa tâm linh riêng, gửi gắm những nguyện vọng tốt đẹp trong năm mới. Chẳng hạn, trái bưởi có hình dáng tròn đầy, màu xanh tươi tắn mang ý nghĩa may mắn, trọn vẹn; trái xoài thì phát âm nghe như là “xài” cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn; đu đủ có nghĩa mang đến một năm mới được đầy đủ, thịnh vượng; mãng cầu là cầu chúc cho mọi điều đều như ý...

Nhà vườn “o” hàng đẹp

Đối với người miền Tây Nam Bộ, Tết được tính từ ngày 23 tháng chạp, tức là sau ngày đưa ông Táo về trời. Lúc này, các gia đình rục rịch lau dọn nhà cửa, mua sắm quần áo, đồ dùng mới cho cả nhà. Còn riêng với các nhà vườn trồng cây ăn trái bán Tết, đây cũng chính là thời điểm bận rộn nhất trong năm khi chuẩn bị đưa “quả ngọt” của vườn nhà ra thị trường. Vườn xoài cát Hòa Lộc của chị Huỳnh Thanh Thủy (ấp An Thạnh, xã Hòa An, Chợ Mới) mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn xoài đạt chất lượng. Ngoài việc canh tác theo chuẩn VietGAP, chị Thủy còn bao trái để giữ cho da trái sáng bóng, bán được giá hơn. Với diện tích canh tác gần 2ha, đã mang lại thu nhập cho gia đình chị Thủy khoảng 400 – 500 triệu đồng mỗi năm. “Nhờ canh tác theo hướng rải vụ nên có xoài bán lai rai suốt năm, cách vài tháng lại có 1 đợt rộ, thương lái đến tận vườn để thu mua. Thời điểm Tết, xoài cát Hòa Lộc được thị trường ưa chuộng, nên bán được giá cao, từ 40.000 - 45.000 đồng/kg” - chị Thủy chia sẻ. Năm nay, xoài ra bông ngay lúc thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài nên làm rụng bông, đậu trái ít, sản lượng xoài bán ra vụ Tết không nhiều. “Dự đoán, Tết năm nay, xoài sẽ được giá hơn những năm trước. mình cố gắng chăm sóc cho trái thiệt đẹp, như vậy sẽ bán có giá hơn, nông dân trồng xoài cũng được ăn Tết sung túc”- chị Thủy kỳ vọng.

Vườn bưởi da xanh rộng trên 50 công của ông Nguyễn Quốc Hùng (xã Vọng Thê, Thoại Sơn) hứa hẹn 1 vụ bưởi bội thu dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, sản lượng khoảng 30-40 tấn. Đây là vườn bưởi canh tác theo hướng hữu cơ, có hệ thống tưới tiết kiệm nước, được cấp mã tem truy xuất nguồn gốc, công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. “Từ đầu năm 2020 đến nay, tôi thu hoạch được khoảng 50 tấn bưởi. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, không xuất khẩu được nên chúng tôi cho cây ra trái chuyền, thu hoạch từng đợt nhỏ khoảng vài tấn để tiêu thụ nội địa”- ông Hùng cho hay. Để cho ra sản phẩm sạch, ông Hùng tận dụng rơm từ 27ha để ủ, kết hợp phân bò ủ bón vào cây, đồng thời sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay, ông Hùng còn thử nghiệm kỹ thuật bao trái để hạn chế sâu bệnh, giữ trái đẹp. “Vì canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm sạch nên được các công ty, siêu thị, đầu mối liên hệ đặt hàng. Vui nhất là người mua, người tiêu dùng đều cảm thấy an tâm khi mua bán, sử dụng mà không lo ảnh hưởng sức khỏe”- ông Hùng giải thích.

Các nhà vườn trồng các loại trái cây đặc sản khác như: mãng cầu, quýt đường, quýt hồng,... ở các địa phương trong tỉnh cũng tập trung chăm sóc, cố gắng để đạt chất lượng cao nhất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích