Trầm cảm ở người mắc bệnh tim mạch

10/09/2023 - 15:53

Một số nghiên cứu cho thấy người bệnh tim mạch có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2-3 lần so với người bình thường. Trầm cảm lại làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong ở người bệnh tim mạch.

Trong năm 2023, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) đã cấp cứu cho một phụ nữ 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp nặng. Gia đình phát hiện bệnh nhân bất động, huyết áp tụt, choáng váng sau khi uống hơn 80 viên thuốc hạ huyết áp và trầm cảm.

Theo gia đình, người bệnh có tiền căn tăng huyết áp độ 2, rối loạn chuyển hóa lipid máu và trầm cảm. Toa thuốc đang điều trị có 3 loại, gồm thuốc hạ huyết áp (amlodipin) và thuốc trầm cảm. Bệnh nhân đã đã uống toàn bộ các thuốc trên, mỗi loại 28 viên. Khoảng 4 giờ sau, gia đình phát hiện và đưa bà đến bệnh viện.

Bác sĩ chẩn đoán người bệnh tụt huyết áp do ngộ độc thuốc hạ huyết áp và tổn thương thận cấp. Do đó, tiến hành lọc máu chậm liên tục với quả hấp phụ nhằm ổn định toan kiềm, loại bỏ độc chất.

Đồng thời, sử dụng vận mạch, bù dịch, truyền insulin nồng độ cao, truyền đường, canxi liều cao tiêm tĩnh mạch chậm. Sau 80 giờ cấp cứu và hồi sức tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được theo dõi tại khoa và điều trị tâm lý.  

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Nội tim mạch - Lão khoa, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, amlodipin là một trong số các thuốc hạ huyết áp phổ biến, thường được kê toa với liều dùng từ 1-2 viên/ngày.

Sử dụng liều cao amlodipin có thể gây ngộ độc với triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, choáng váng. Trường hợp nặng, bệnh nhân suy giảm nhanh dẫn đến trạng thái tinh thần thay đổi, hôn mê, sốc, tử vong.

Bệnh nhân tim mạch đối mắt với nguy cơ bị trầm cảm. Ảnh: GL.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, người bệnh tim mạch rất dễ đối mặt với nguy cơ trầm cảm do đây là bệnh mạn tính, phải uống thuốc suốt đời. Khoảng 10-30% người bệnh suy tim đối mặt với vấn đề tâm lý, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.

“Gia đình cần hết sức quan tâm, nếu người bệnh có dấu hiệu buồn bã, chán nản, thờ ơ, lười tiếp xúc, cần thông báo với bác sĩ điều trị hoặc thăm khám tâm lý để tránh sự cố đáng tiếc”, bác sĩ Tuấn nói.

Chưa có hành vi nguy hiểm nhưng bệnh nhân C.T.H. (70 tuổi, Đồng Nai) rơi vào tình trạng mỏi mệt, ủ rũ, không muốn giao tiếp. Nhiều lần, bà bỏ cữ thuốc dù bị bệnh tim hơn 10 năm. Tâm sự với con gái, người bệnh cho biết có cảm giác là gánh nặng của gia đình, sự sống phụ thuộc vào việc uống thuốc ngày 3 bữa.

Gần đây, bà suy nghĩ nhiều nên càng căng thẳng hơn, quyết tâm không đi viện tái khám để không làm phiền mọi người. Có lúc, bà chỉ muốn “ngủ một giấc rồi đi luôn”. Gia đình hoảng hốt nên phải mời bác sĩ về tận nhà khám và động viên bà H.

Trên thực tế, người bệnh tim mạch phải thăm khám thuòng xuyên, dùng thuốc hàng ngày, điều chỉnh và thay đổi lối sống nên dễ bị tăng căng thẳng khi phải thích nghi với một lối sống mới. Từ đó, phát sinh tâm lý mệt mỏi, phụ thuộc. Khi quá tải, một số người bệnh có triệu chứng trầm cảm. Ở chiều ngược lại, trầm cảm có thể khiến người bệnh không có động lực khám bệnh, chán nản, bỏ thuốc, thậm chí tự tử…

Một bệnh nhân suy tim đến khám định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ảnh: GL.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trầm cảm có nhiều nguyên nhânkhác nhau. Trong đó, nguyên nhân ít được quan tâm là từ các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường và tim mạch.

Một số nghiên cứu cho thấy người mắc bệnh đái tháo đường hoặc tim mạch có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2-3 lần so với người bình thường. Trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch lên gấp 2 lần, khiến người bệnh thờ ơ với sức khỏe, không muốn tuân thủ điều trị, hậu quả là bệnh trở nặng.

Vì vậy, người thân của bệnh nhân cần quan tâm, phát hiện sớm các bất thường về mặt tâm lý; động viên người bệnh đến khám tâm lý để được bác sĩ tư vấn điều trị sớm, tránh bệnh tiến triển nặng dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Văn Chiêu, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ mỗi ngày có trên 50 lượt khám suy tim tại phòng khám, 40% bệnh nhân nội trú của Khoa Nội tim mạch cũng mắc suy tim. Ông gặp không ít bệnh nhân suy tim bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.

Ông cho rằng, cần phải quan tâm hơn đến sức khoẻ tâm thần cho người bệnh mắc các bệnh lý nội khoa, nhất là người bệnh trải qua một tình trạng cấp như suy tim cấp, nhồi máu cơ tim cấp.

“Nếu bệnh nhân suy tim có trầm cảm thì chính trầm cảm làm tăng nguy cơ tử vong chứ không phải là bệnh suy tim”, bác sĩ Chiêu nói. 

Theo VTC