Trận chiến cuối cùng ở Syria – Ba kịch bản cho Idlib

09/09/2018 - 08:34

Một cuộc tấn công tổng lực để chiếm lại Idlib - tỉnh cuối cùng nằm trong tay phe nổi dậy Syria - sớm muộn cũng sẽ diễn ra và vấn đề có lẽ chỉ là thời gian.

Nga và Syria đang có ý định chiếm lại tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở Syria. Trận tử chiến này được cho là có thể kết thúc cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Syria.

Theo tờ Al Jazeera, một cuộc tấn công tổng lực để chiếm lại tỉnh cuối cùng nằm trong tay phe nổi dậy sớm muộn cũng sẽ diễn ra và vấn đề giờ có lẽ chỉ là thời gian.

Nằm ở phía tây bắc Syria và giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn tỉnh Idlib nằm trong tay nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS). HTS được thành lập ngày 28-1-2017 trên cơ sở sáp nhập nhóm Jabhat al-Nusra (một chi nhánh của al-Qaeda) và các phe phái Hồi giáo khác.


Vị trí của tỉnh Idlib ở Syria. Ảnh: Vox

Khu vực này cũng nằm trong quyền kiểm soát ở mức độ thấp hơn của Mặt trận Giải phóng Syria và một số nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn như: Faylaq al-Sham, Jaysh al-Nasr và Quân đội Idlib Tự do.

Tỉnh Idlib được thiết lập thành khu vực ngừng bắn và giảm căng thẳng từ tháng 5-2017 theo khung thỏa thuận Astana do Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết. Tỉnh này trở thành nơi tị nạn cho hàng nghìn phiến quân chạy khỏi các khu vực mà lực lượng quân đội Syria đã chiếm lại.

Vậy sẽ xảy ra những kịch bản nào tại tỉnh Idlib?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh với người đồng cấp Syria Walid al-Muallem ngày 30-8 tại Moskva: “Điều chúng ta cần làm bây giờ là quét sạch các nhóm khủng bố còn tồn tại, đặc biệt là trong khu vực giảm căng thẳng ở Idlib”. Theo ông Lavrov, điều không thể chấp nhận được là những tên khủng bố, đặc biệt là Mặt trận al-Nusra đang sử dụng khu vực giảm căng thẳng Idlib để tấn công quân đội Syria và để tấn công căn cứ quân sự Nga trong khu vực bằng thiết bị không người lái.

Kịch bản hiện tại mà Nga - đồng minh của Syria – sẽ bảo vệ trước cộng đồng quốc tế là một cuộc tấn công quân sự tổng lực nhằm vào khu vực miền nam và tây Idlib, nơi Mặt trận al-Nusra và tàn dư khủng bố Nhà nước Hồi giáo bám trụ.

Tuy nhiên, những người thuộc các nhóm nổi dậy Hồi giáo và phi Hồi giáo cho rằng mục tiêu của cuộc tấn công không phải là để chống chủ nghĩa khủng bố. Họ sợ mục tiêu thực sự là xóa sổ năng lực quân sự của mọi phe đối lập và buộc họ phải đầu hàng.

Trong bối cảnh đó, phe nổi dậy ở khu vực tây bắc Idlib đã cho nổ tung hai cây cầu chính, đào hào, kêu gọi dân thường cầm vũ khí ngăn chặn cuộc tấn công từ quân đội Syria.

Video quân đội Syria điều phương tiện đối phó với việc phe nổi dậy nổ tung cầu (nguồn: AMN):

Do Idlib là giai đoạn cuối cùng trong quá trình chiếm lại toàn bộ lãnh thổ Syria, các lực lượng Syria có thể sẽ không hạn chế hoạt động chỉ ở khu vực tây và nam Idlib. Thay vào đó, họ sẽ tiến tới một cuộc tấn công quy mô lớn ở khu vực bắc và tây bắc Idlib. Tại đây, họ sẽ chiến đấu ác liệt với phe nổi dậy.

Sau đó, quân đội Syria sẽ có thế mạnh để buộc các phe đối lập thỏa thuận hòa giải. Hồi tháng 6, lực lượng nổi dậy ở Nawa thuộc tỉnh Daraa ở miền nam đã buộc phải chấp nhận một thỏa thuận hòa giải sau một tuần hứng pháo hạng nặng và không kích từ lực lượng Nga cũng như Syria ở tỉnh này.


Nhiều người lo ngại thảm kịch nhân đạo sẽ xảy ra ở Idlib. Ảnh: Reuters

Kịch bản một cuộc tấn công toàn lực ở tỉnh Idlib hiện chưa thể diễn ra tại giai đoạn này vì nó phải trả giá đắt về cả mặt quân sự và chính trị. Kịch bản này cũng sẽ dẫn tới một thảm họa nhân đạo, một cuộc khủng hoảng tị nạn khổng lồ và hủy diệt ở quy mô lớn. Kịch bản này cũng sẽ phá hủy quan hệ đang phát triển giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và kéo theo sự sụp đổ của tiến trình Astana. Viễn cảnh này sẽ khiến mối quan hệ Nga-châu Âu vốn nhiều áp lực nay càng áp lực hơn vì nó sẽ dẫn tới một làn sóng tị nạn mới từ Syria tràn sang châu Âu. Mỹ cũng đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công ồ ạt vào Idlib sẽ gây thảm họa nhân đạo.

Kịch bản thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ đồng ý củng cố khu vực giảm căng thẳng ở Idlib với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề với vấn đề nhóm HTS. Trong vài tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách thuyết phục nhóm HTS tự giải thể và gia nhập các phe phái thuộc Quân đội Syria Tự do mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Các tay súng nước ngoài thuộc HTS đã được đề nghị một lối thoát an toàn để tái bố trí ở khu vực khác. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa mang lại kết quả như mong muốn. Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt nhóm HTS vào danh sách khủng bố, bắn tín hiệu có thể hành động quân sự chống lại nhóm này.

Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý hành động với nhóm HST, có thể tránh một cuộc tấn công vào Idlib cho đến khi đạt được hòa bình lâu dài ở Syria.

Còn nếu Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong thương lượng với nhóm HTS, kịch bản thứ ba sẽ xảy ra. Theo đó, có thể Nga và Syria sẽ thực hiện hành động quân sự hạn chế ở Idlib để xóa sổ HTS và các nhóm cực đoan khác.

Do dân số trong khu vực đông, Nga và Syria sẽ tìm cách trách một cuộc tấn công rầm rộ. Ở thời điểm hiện tại, Nga dường như chủ yếu quan tâm tới việc bảo vệ căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bằng cách đẩy lui các phe đối lập ở Idlib xa về phía bắc.

Còn Chính phủ Syria quan tâm tới việc giành lại kiểm soát đường cao tốc M5 – con đường giao thương chính của Syria chạy qua nhiều khu vực ở Idlib.

Trong 2 năm qua, chiến lược tấn công của Chính phủ Syria tập trung vào 470km đường M5 nối từ Aleppo ở miền bắc tới Hama, Homs, Damascus và Daraa ở miền nam. Khu vực duy nhất của M5 nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Syria là các đoạn ở Idlib.

Trong thực tế, Syria muốn giành lại toàn bộ tỉnh Idlib nhưng chưa có đủ lực để thực hiện, nhất là khi có hàng chục nghìn phần tử đối lập tử thủ ở Idlib.


Lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh ở Iran ngày 8-9. Ảnh: Anadolu

Hiện chưa rõ kịch bản nào sẽ xảy ra ở Idlib. Tất cả đều trông chờ vào cuộc họp về Idlib ở Iran. Tuy nhiên, trong hội nghị thượng đỉnh ở Tehran (Iran) ngày 8-9 về số phận của Idlib, các bên gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã không thể đạt thỏa thuận. Đề xuất ngừng bắn của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Nga và Iran bác bỏ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Chúng tôi coi đó là điều không thể chấp nhận được khi dưới vỏ bọc bảo vệ dân thường, họ muốn đưa khủng bố ra khỏi khu vực bị tấn công cũng như gây tổn hại cho binh sĩ Syria”.

Theo nhận định của Al Jazeera, với kết quả hội nghị như trên, dường như một trận tử chiến ở Idlib là điều khó tránh khỏi.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)