Tranh của các họa sĩ Việt Nam càng lúc càng có giá. Mới đây, phiên đấu giá online 2 bộ "Truyện Kiều" và "Lục Vân Tiên" thu được 410,4 triệu đồng, trong đó 15 bức tranh "Truyện Kiều" bán được 362,4 triệu đồng. Trong một phiên đấu giá khác, bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có tên "Nguyệt ước" bán 83.000 USD (khoảng 1,87 tỉ đồng). Các họa sĩ có tài không còn phải ngồi chờ người nước ngoài đến mua chất xám của người Việt với giá rẻ.
Những mức giá bất ngờ
Cuộc triển lãm tranh "Truyện Kiều" và "Lục Vân Tiên" tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội; cuối tháng 11 đầu tháng 12-2017) đã diễn ra khá nhiều bất ngờ vì lượng khách mua đấu giá online trên trang web của Đông A. Tất cả các bức tranh đều được đưa giá khởi điểm là 0 đồng nhưng kết thúc phiên đấu giá kéo dài 2 tuần, tất cả các bức minh họa "Truyện Kiều" đã chốt giá từ 7,2 - 65 triệu đồng, trong đó cao nhất là bức "Đoàn viên" của họa sĩ Thành Chương đã bán 65 triệu đồng.
Bức "Đoàn viên" của họa sĩ Thành Chương đã bán với giá 65 triệu đồng Ảnh: ĐÔNG A GALLERY
Bức "Thúy Kiều và Thúc Sinh" của họa sĩ Đinh Quân đã bán giá 45 triệu đồng
Bức "Nguyệt ước" của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm bán giá 83.000 USD
Hai bức đạt mức giá cao thứ nhì là "Thúy Kiều và Thúc Sinh" của họa sĩ Đinh Quân (45 triệu đồng) và "Kiều ở thảo am, tu cùng Giác Duyên sau khi được cứu" của họa sĩ Hồng Việt Dũng (41,7 triệu đồng). Một trong số các họa sĩ tên tuổi của hội họa Việt Nam đương đại - họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng có bức "Mã Giám Sinh đưa Kiều về Lâm Truy" đã bán với mức 30,2 triệu đồng. Cùng mức giá 30 triệu đồng có họa sĩ Lê Quang Hà với bức "Hồ Tôn Hiến" và Phạm An Hải với bức "Kiều mắc lừa Bạc Bà, Bạc Hạnh"…
Bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Công Hoan minh họa tác phẩm văn học cổ điển "Lục Vân Tiên" được ông Nguyễn Xuân Diễn là người khởi phát mức giá 30 triệu đồng, cuối cùng đã đấu giá thành công với mức 48 triệu đồng cho người đấu giá thành công là nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Hoài Nam.
Việc nhà đấu giá Chọn bán bức tranh Kiều của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm với giá gần 2 tỉ đồng cũng gây "sốc" nhẹ trong làng tranh Việt. Tranh của danh họa phải có mức giá đó là đương nhiên nhưng trước đây tất cả các tác phẩm này đều được đưa ra giao dịch ở thị trường nước ngoài là chính. Chỉ có thời điểm hiện tại, trên thị trường mỹ thuật Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện các phiên giao dịch tranh Việt với trị giá lớn tới tiền tỉ như vậy. "Nguyệt ước" được danh họa lấy tứ từ "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, vẽ cảnh Thúy Kiều và Kim Trọng dưới trăng.
Bắt đầu hình thành thị trường tranh
Như họa sĩ Thành Chương và nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ thì giai đoạn này các họa sĩ được xem là tiêu biểu cho nền mỹ thuật đương đại rất nỗ lực hoạt động nghệ thuật, đã mang đến cho người xem một trải nghiệm mới khi thưởng thức các kiệt tác cổ điển. Các họa sĩ đã đưa ra những dấu ấn nghệ thuật hiện đại, làm mới các tác phẩm văn học cổ điển này sao cho nó gần gũi hơn với góc nhìn của người đương thời.
Các họa sĩ cho biết nếu so với mức giá của lần đầu bán đấu giá online thì thu được vài trăm triệu đồng đã là mức giá tốt. Hơn nữa, toàn bộ các tác phẩm tranh vẽ lần này được thực hiện không chỉ để treo triển lãm và bán đấu giá mà mục đích chính là đưa vào 2 ấn bản "Truyện Kiều" và "Lục Vân Tiên". Cho nên, nói theo một cách khác thì đây là các tác phẩm minh họa cho sách lần đầu tiên đã bán ra thị trường tranh truyền thống với mức giá mơ ước, lên tới 410,4 triệu đồng.
Để có được sự hình thành nền móng đầu tiên cho thị trường tranh Việt, phải kể đến sự xuất hiện và vai trò của các nhà đấu giá tích cực bằng nhiều hoạt động nổi bật. Đông A vừa tổ chức đấu giá tranh Kiều đương đại, Chọn đấu giá tranh Kiều cổ điển và nhiều tác phẩm khác, sàn đấu giá tranh RealArt với nhiều cuộc đấu giá và hội chợ nghệ thuật tại Hà Nội và TP HCM.
Lý Thị Auction hồi giữa năm 2017 đã hoàn thành phiên đấu giá "vị nghệ thuật" lần thứ hai và ngày 7-1-2018, Lý Thị Auction triển lãm, đấu giá "Hội họa miền Nam Việt Nam và cảm hứng lãng mạn phương Đông" với những tác phẩm có giá trị cao của các họa sĩ Lê Phổ, Lê Bá Đảng, Vũ Cao Đàm, Bùi Giáng...
Hồi cuối năm 2016, Lý Thị Auction khai trương sàn đấu giá nghệ thuật Việt đầu tiên, bán bức "Mẫu đơn đỏ" của họa sĩ Lê Phổ với giá 40.000 USD (tương đương 800 triệu đồng) đã gây ngạc nhiên. Để rồi bây giờ, nhà đấu giá Chọn có thể đặt giá khởi điểm cho tranh "Kiều" của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm ở mức 83.000 USD (gần 2 tỉ đồng).
Nghệ sĩ - giám tuyển Nguyễn Như Huy khẳng định những đổ vỡ lộ rõ bất cập của hội họa Việt Nam đương đại mới đây chính là nền tảng đầu tiên để giới làm nghề nhìn rõ cần phải đặt những viên gạch đầu tiên vào đâu nhằm xây dựng thị trường mỹ thuật.
Họa sĩ Lê Thiết Cương hoàn toàn tin tưởng với các diễn biến liên tiếp và việc giá tranh Việt tăng cao, ông cho rằng thị trường mỹ thuật Việt đang thật sự hình thành và chắc chắn trong vòng 5 năm tới, mỹ thuật Việt sẽ bước qua cảnh chợ chiều để bừng sáng trong giai đoạn bùng nổ.
Trong những bước đầu chập chững hình thành thị trường, "người tiêu dùng nghệ thuật" Việt cũng có thể nhìn thấy rõ nỗ lực của Lý Thị Auction khi liên tục đi tham gia các hội chợ nghệ thuật thế giới để cập nhật xu hướng nghệ thuật đương đại.
Việc Đông A trao tặng vé khứ hồi tới nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Hoài Nam - người thắng giải đấu giá online bộ tranh Kiều - để có thể đi Singapore tham dự "Art Stage Singapore" vào tháng 1-2018 này cũng được coi như một động thái tích cực nhằm kết nối với thị trường nghệ thuật trong khu vực và trên thế giới.
Theo HÒA BÌNH (Người Lao Động)