Công bằng mà nói, thị trường âm nhạc Việt khá sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh một số bài chất lượng về mặt nghệ thuật, thì có vô vàn bài hát với nội dung, ca từ hời hợt, sáo rỗng về mặt nghệ thuật. Một phần lỗi còn nằm ở phía công chúng. Bởi lẽ, công chúng bây giờ, nhất là giới trẻ, đa phần rất thích nghe và xem những sản phẩm âm nhạc trẻ trung, vũ đạo đẹp, dễ bắt “trend”. Đây là nguyên nhân rất nhiều sản phẩm âm nhạc tập trung vào việc dễ tiếp nhận, với giai điệu sôi động, dễ nghe, nhưng lại thiếu chiều sâu trong nội dung, chỉ xoay quanh chủ đề thuần túy, dễ hiểu, dễ nhớ.
Nhiều người “chân ướt, chân ráo” hát được vài bài thì đã phong là thần này, thánh nọ, như: Thánh Bolero, thánh nhạc chế, hoàng tử nhạc pop, thiên tài âm nhạc… Rồi trào lưu “người người cùng hát”, cover được vài bài hát hoặc hát trên mạng xã hội đã “nổi đình, nổi đám”, đi đâu cũng nghe mở hát inh ỏi, đơn cử, như: “Rồi tới luôn”, “Cưới hông chốt nha”, “Cưới liền nha”... Ngày Tết, ngày cưới hát rần rần bài "Đắp mộ cuộc tình"! Gần đây nhất là “Đám giỗ bên cồn” trở thành “hiện tượng” vì được “bắt trend” rất nhanh. Một số bài hát có giai điệu dễ nhớ, dễ “viral”, nhưng cũng chính vì vậy mà thiếu chiều sâu và nhanh chóng bị lãng quên.

MV "Về nhà là có Tết" mang thông điệp Tết sum vầy tới cho người xem
Thậm chí, nhiều dự án âm nhạc, MV được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng cũng chỉ rôm rả được vài tháng thì chẳng ai còn nhớ. Thật ra, không phải công chúng phũ phàng, mà là do nội dung ca từ hầu như là chỉ “giải trí” đúng với nghĩa đen, nên đọng lại trong tâm trí cũng chóng vánh... Điều dễ thấy nhất là những dự án nhạc Tết. Năm nào cũng có MV mới ra mắt, nhưng hát rồi là bị quên lãng ngay, không còn đọng lại bao nhiêu trong ký ức công chúng. Thế nhưng, những bài hát ra đời 60 - 70 năm trước thì năm nào cũng nghe rất hay, bởi nội dung và ca từ đi vào lòng người... Cũng không thể phủ nhận rằng, bên cạnh những ca khúc “dễ dãi”, vẫn có những nghệ sĩ, nhóm nhạc hay sản phẩm âm nhạc chất lượng, mang đậm dấu ấn cá nhân và sự sáng tạo, góp phần phát triển nghệ thuật.
Theo nhiều nhà phê bình âm nhạc, thị trường âm nhạc hiện đang sôi động. Song, nhạc sĩ, ca sĩ trẻ chiếm được sự yêu mến của người hâm mộ bằng những sáng tạo của mình thì không nhiều. Thay vì tìm lối đi riêng, dày công tập luyện thanh nhạc, rèn vũ đạo, tham gia chương trình âm nhạc có tính chất cống hiến, thì không ít ca sĩ trẻ miệt mài với gameshow để "phông bạt" hoặc sa vào thể hiện lại ca khúc của người nổi tiếng qua chương trình âm nhạc, chương trình truyền hình, gameshow... Việc này tuy giúp họ nhanh chóng nổi tiếng, nhưng lại thiếu đi sự cống hiến thật sự và thiếu chiều sâu về nghệ thuật. Rồi những bài hát với nội dung nhảm nhí, thậm chí gây phản cảm đang làm giảm giá trị của âm nhạc Việt trong mắt công chúng. Những ca khúc như “Ghệ yêu dấu của em ơi”, “Để ai cần” hay "Như cái lò" đã gây ra nhiều tranh cãi, không chỉ vì sự bất ổn trong ca từ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người nghe, nhất là giới trẻ…

Nhiều MV có giá trị nghệ thuật
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các nền tảng trực tuyến và sự thay đổi trong cách thức tiếp cận âm nhạc, nhiều bài hát hiện nay có xu hướng chú trọng vào sự dễ nghe, "bắt tai". Ca khúc thường dùng giai điệu dễ thuộc, lời đơn giản, chủ yếu nói về tình yêu, mối quan hệ, hoặc những chủ đề nhạy cảm. Thậm chí, nhiều ca khúc còn sử dụng beat điện tử để thu hút người nghe. Nhiều người cho rằng kiểu nhạc này bị lặp lại, không thật sự có sự sáng tạo hay giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, lại có một lượng khán giả đông đảo yêu thích bởi tính dễ nghe và giải trí mà nó mang lại.
Việc thiếu chiến lược rõ ràng trong đào tạo nghệ sĩ, kết hợp với sự chú trọng chưa đúng mức vào chất lượng âm nhạc, khiến cho hoạt động âm nhạc đôi khi mất phương hướng. Các tác phẩm âm nhạc, thay vì phản ánh sự sáng tạo và giá trị nghệ thuật, lại dễ dàng bị lấn át bởi những sản phẩm chỉ để đáp ứng thị hiếu tức thời kiểu "mì ăn liền". Điều này dẫn đến việc sản phẩm chất lượng cao trở nên khan hiếm, nghệ sĩ có thể cảm thấy áp lực phải chạy theo xu hướng thay vì tìm kiếm sự khám phá cá nhân và nghệ thuật đích thực.
Vấn đề này cần được nghiên cứu trong sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc, khi mà yếu tố thương mại đôi khi lấn át giá trị nghệ thuật, khiến cho sản phẩm âm nhạc chỉ được sáng tạo ra với mục đích phục vụ số đông, không chú trọng đến tính sáng tạo và chiều sâu nghệ thuật. Có lẽ, điều cần thiết lúc này là một sự thay đổi trong cách tiếp cận âm nhạc, từ đào tạo nghệ sĩ cho đến cách thức phát triển sản phẩm âm nhạc, để có thể nâng cao chất lượng và tạo ra nhạc phẩm mang tính nghệ thuật cao, duy trì sự gần gũi với người nghe, để âm nhạc nhiều “hoa”, ít “cỏ”!
HỮU NGUYÊN