Trên đỉnh Học Lãnh Sơn

25/05/2024 - 07:50

 - Đó là tên gọi ít ai biết của núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), hình dáng y hệt như con sam. Mùa này, núi Sam đang chuẩn bị cho những ngày rất đông đúc khách thập phương, chứa đầy tín ngưỡng tâm linh sắp tới: Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Chờ đón du khách xa gần là một ngọn núi rất bình yên, thoáng đãng, nhưng không kém phần huyền bí.

Điều đặc biệt nhất trên đỉnh núi Sam, thu hút du khách trong nước và quốc tế đổ về mỗi dịp Vía Bà, là bệ đá sa thạch. Tương truyền, nơi đây là vị trí ngự của tượng Bà Chúa Xứ hàng trăm năm trước.

Vào thập niên 1980, các nhà khảo cổ phát hiện bệ đá có dạng hình vuông, cạnh 1,6m, dày 0,3m; chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích sa thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn. Bệ đá này vừa khít với tư thế ngồi của tượng Bà Chúa Xứ Thánh mẫu. Qua khảo sát, các nhà khảo cổ xác định, đây chính là nơi tượng Bà từng ngự trước khi được thỉnh xuống núi.

Từ khi được phát hiện đến nay, bệ đá luôn được bảo vệ như một di tích linh thiêng. Hội Quý tế Miếu Bà lập miếu thờ vào năm 1993. Đến năm 2022, TP. Châu Đốc quyết định trùng tu, xây dựng quy mô hơn, khang trang hơn, tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Theo dòng thời gian, với lòng kính ngưỡng, người dân luôn tin tưởng Bà Chúa Xứ núi Sam là nữ thần đầy quyền năng, phù hộ độ trì cho đất nước thái bình, giữ yên bờ cõi, Nhân dân đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no, hưng thịnh… Hầu như lúc nào cũng có đông đảo người dân tụ hội về để kính viếng, nguyện cầu, tạ ơn.

Không chỉ gây ấn tượng về mặt tâm linh, núi Sam còn “níu chân” du khách bởi nét đẹp thiên nhiên đặc trưng của vùng núi, biên giới An Giang. Ngọn núi cao hơn 200m so với mực nước biển, nhưng vẫn đủ giúp mọi người phóng tầm mắt bao quát cả cánh đồng và phố thị bên dưới. Vì vậy, ít ai bỏ lỡ khung cảnh tuyệt đẹp này, không lưu giữ vài tấm hình “check-in” trước khi rời khỏi.

Mùa này, lúa bắt đầu trổ xanh mát mắt ở những cánh đồng trải dài chân trời. Thời tiết trong xanh, không gian rộng lớn, gió thổi mát rượi từng chân tóc… núi Sam luôn là điểm đến “chữa lành” cho những ai cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống bộn bề.

Một đoàn khách ở tỉnh Hải Dương đến núi Sam từ rất sớm, dành nhiều thời gian tham quan, nghiên cứu nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng độc đáo nơi đây.

Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam có nhiều hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia khu vực Bà ngự trên đỉnh núi Sam. Dự án này được khởi công năm 2022, khánh thành vào năm 2023, hiện nay vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách.

Núi Sam tuy nhỏ hơn các dãy núi trong Thất Sơn, nhưng lại chứa đựng khoảng 200 ngôi chùa, miếu, am… mang đến không gian tâm linh dày đặc. Mỗi cơ sở thờ tự lại có điểm nhấn rất riêng. Điển hình như tại chùa Linh Sơn, du khách thích thú chiêm ngưỡng “bàn chân tiên” nằm trên mỏm đá cheo leo, kích thước to gấp mấy chục lần bàn chân người trần.

Núi Sam gợi lên rất nhiều cảm xúc an yên, tự tại. Một phần là bởi khung cảnh thiên nhiên hiền hòa, ít vướng bụi trần, không có nhiều nhà dân sinh sống san sát. Phần khác là do cơ sở thờ tự chú trọng giữ lại cảnh quan thanh bình, chân phương nhất có thể.

Núi Sam chờ đón du khách gần xa bằng những màu hoa rực rỡ, những cơn mưa “nhất định phải có” vào chánh Lễ Vía Bà. Ngọn núi được điểm xuyết sắc hồng phơn phớt của hoa giấy, sắc đỏ cháy bỏng của hoa phượng, sắc vàng rưng rức của hoàng yến… Tất cả phản chiếu trên nền trời xanh ngắt tháng tư âm lịch, trong trẻo đến nao lòng!

Nếu có dịp, hãy đến với núi Sam, để lòng mình hòa vào thiên nhiên, trải nghiệm phương thức du lịch tâm linh đặc sắc của vùng đất Tây Nam Bộ này. Để rồi, mọi tâm tình trĩu nặng đều được gió cuốn đi…

VẠN LỘC