Trên dốc núi… vắng người lữ khách

11/07/2023 - 06:42

 - Thuở trước, đến mùa du lịch, từng bậc thang lên núi Cấm (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) luôn in dấu chân lữ khách. Theo thời gian, cung đường bộ này ngày càng vắng vẻ...

Nhớ thời đông khách

Mờ sáng, sương giăng bảng lảng trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Từ dưới chân núi, chúng tôi cuốc bộ từng bước chân nặng trịch men theo đường bậc thang chinh phục đỉnh núi. Thi thoảng, những đám mây đen la đà qua tán rừng tĩnh mịch, se lạnh, chúng tôi có cảm giác “chạm được trời cao”. Đường núi bây giờ vắng lắm, không còn nhộn nhịp như trước. Hàng quán lưa thưa, du khách ít dần.

Leo lên lưng chừng núi gần 2km, mỏi chân quá, chúng tôi ngồi nghỉ tạm bên tảng đá nhỏ. Ngó lên, ngó xuống núi, chưa thấy một bóng khách phương xa nào leo núi. Khi hỏi thăm người dân mới hay, đường bộ bây giờ du khách ít đi. Người ta đi cáp treo hoặc đi xe gắn máy, xe dịch vụ lữ hành lên núi.

Lâu lâu mới gặp vài người đi bộ lên núi

Nằm trên chiếc võng đu đưa bên chái nhà, ông Chau Cốt (70 tuổi) dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh để giải trí. Gặp chúng tôi ghé thăm, ông Chau Cốt trò chuyện xởi lởi. Ông kể về 20 năm trước, khi núi Cấm chưa làm đường nhựa và cáp treo, người dân, du khách chỉ đi theo đường bậc thang “độc đạo” này. Vào mùa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, du khách “thập phương” viếng Bà xong rồi về đây, đi con đường này, chinh phục đỉnh núi.

“Du khách leo núi dọc theo đường mòn đông lắm! Người ta nối nhau từng hàng lội bộ lên núi rất vui. Có người leo mệt quá mua một chiếc gậy tre chống lên núi. Khoảng 10 năm nay, du khách đi đường này ít dần, nhiều người còn bỏ nhà đi nơi khác kiếm sống” - ông Chau Cốt tâm sự. 

Ông Chau Cốt là người sống lâu năm trên núi Cấm, nên rất rành về đoạn đường bậc thang này. Ngày trước, nơi đây là đường chính. Người dân đi núi, làm rẫy, buôn bán đều qua con đường này. Hồi ấy, nơi đây chỉ là lối mòn do những đạo sĩ tu ẩn dật trên núi đi riết thành con đường. Sau này, những cư dân dưới chân núi cũng đi theo con đường mòn này lên rừng đốn củi, trồng rẫy, lập vườn. Đến mùa thu hoạch, họ gánh huê lợi xuống núi bán. Từ đó, lối mòn này trở thành cung đường chính để người dân, du khách lên xuống núi thuận tiện.

“Nhận thấy con đường lên núi còn tạm bợ, khó đi, nhất là vào mùa mưa, dự án Pacode (Dự án Phát triển cộng đồng có sự tham gia của người dân) đã tiến hành tu sửa hoàn chỉnh vào năm 2009” - ông Chau Cốt cho biết.

Buôn bán ế ẩm

Cung đường bậc thang được xây lại vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sống trên núi và du khách đi lại dễ dàng. Thấy được tiềm năng của con đường mang lại, người dân mở quán dọc 2 bên đường để đón khách du lịch. Theo đó, nhiều quán bán cơm, bánh xèo, nước giải khát, đồ trang sức, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, đũa tre núi Cấm... Từ dưới chân núi lên tới suối Thanh Long có hàng chục quán.

Ông Trần Văn Tâm (tỉnh Đồng Tháp, năm nào cũng cùng gia đình leo núi) cho biết: “Nhớ lại khoảng 15 năm trước, vào mùa nghỉ hè, tui thường rủ anh em leo núi Cấm tắm suối Thanh Long. Hồi đó, 2 bên đường hàng quán, tiệm tạp hóa bày bán dày đặc. Mình đi ngang, nhiều chủ tiệm đon đả mời khách…”.

Gian hàng lưu niệm vắng khách

Năm tháng trôi qua, hàng quán 2 bên đường cũng thưa dần. Nhiều người đã bỏ quán đi nơi khác lập nghiệp hoặc chọn địa điểm mới trên đỉnh núi Cấm buôn bán hàng hóa thiết yếu. Những quán lớn, như: Hồng Phượng, Tấn Tiến, Hạnh Thư, Thanh Liêm... cố bám trụ lại dưới chân núi để bán cơm, bánh xèo cho du khách ghé ăn trưa vẫn còn hoạt động, nhưng không đông như trước.

Những chủ quán cho hay, mấy năm trước, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, không có khách du lịch đi núi, buôn bán ế ẩm. Khi hết dịch, nhiều người rời quê lên phố làm công nhân, chỉ còn lại vài quán bám trụ để buôn bán qua ngày tại con đường cũ này.

Leo đến đoạn suối Thanh Long, cảnh vật như bừng sáng, nhộn nhịp hẳn. Nước tràn qua phiến đá chảy rì rào. Lữ khách vội vốc một ngụm nước mát rửa mặt. Cái mát lạnh của dòng nước trời ban càng tạo sự “mê hoặc” của nhiều du khách trên đỉnh Thất Sơn hùng vĩ.

Ghé vào quán nước gần đó, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thị Kim Nhanh (70 tuổi) lụ khụ bưng từng chai nước giải khát bày biện trước nhà. Như thường lệ, mỗi buổi sáng, cụ tranh thủ dậy sớm, dọn hàng quán sạch sẽ, rồi khệ nệ bưng từng thùng nước giải khát đặt lên chiếc bàn nhỏ để bán cho du khách phương xa.

Kể về thời xa xưa, cụ Nhanh hồ hởi: “Hồi đó, năm nào cũng vậy, vào mùa Tết kéo dài cho tới Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, khách leo núi rất đông. Quán nước của tui bán đắt lắm!”. Còn bây giờ, quán của cụ Nhanh mỗi ngày bán được vài chai nước suối, nước giải khát. “Sáng giờ, tui bán chỉ vài chai nước suối, kiếm được 10.000 đồng, không đủ tiêu xài. Quá ế chú ơi!” - cụ Nhanh than.

Ông Chau On (năm nay 70 tuổi, một trong những người còn giữ công việc gánh đồ thuê lên xuống núi) nhớ lại, ngày trước hàng quán ở đây bán cơm, nước, bánh xèo rất đắt. Du khách ghé ăn nườm nượp. Nhờ vậy, các chủ tiệm tạp hóa thuê ông Chau On gánh hàng thuê lên xuống núi có thêm thu nhập. Giờ đây, những con đường nhựa và cáp treo được đầu tư, du khách chuyển sang đi dịch vụ đưa rước lên xuống núi cho tiện lợi và nhanh hơn.

"Khách lưa thưa, buôn bán chậm chạp, tui mất đi thu nhập từ gánh thuê nước đá và nhiều hàng hóa khác. Nếu trước đây, mỗi ngày tui thu nhập hơn 100.000 đồng, bây giờ chỉ kiếm được 20.000 đồng” - ông Chau On bày tỏ.

Xế trưa. Cái nắng trên chót núi dường như phai màu bàng bạc, rồi cơn mưa hè bất chợt lướt qua lất phất. Chúng tôi nhanh chân xuống dốc, bỏ lại sau lưng khung cảnh thâm u ở chốn bồng lai. 

HOÀNG MỸ