Thà bỏ học chứ… không vô trường nghề
Năm học 2016 - 2017, huyện Tri Tôn có 1.589 HS tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ có 992 HS thi đậu vào lớp 10 hệ chính quy tại các trường THPT (chiếm 62,3%), 66 em vào học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) hoặc trung cấp nghề (chiếm gần 4,2%), còn lại hơn 500 HS quyết định nghỉ học ở nhà phụ tiếp gia đình hoặc đi lao động ngoài tỉnh, một số thất nghiệp, suốt ngày tụ tập ăn chơi lêu lỏng.
“Tôi thấy một số đứa trong xóm dù tốt nghiệp đại học mà vẫn thất nghiệp, con tôi học lực trung bình thì học nữa được tới đâu. Thấy chị nó hồi trước nghỉ học lên Bình Dương làm công nhân, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng nên tôi cho thằng bé nghỉ học lên theo. Hiện nay, nó chưa đủ tuổi vào công ty nên đi làm phụ hồ cũng được gần 3 triệu đồng/tháng” - chị Néang Nhum, mẹ em Chau Phóc (xã Châu Lăng, Tri Tôn) bộc bạch.
Kiểu suy nghĩ “đã học thì phải lên đại học, còn học không nổi thì bỏ học đi làm sớm” đang ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều gia đình ở nông thôn hiện nay. Trong khi đó, ngay trên địa bàn huyện Tri Tôn có trụ sở của Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú (DTNT) An Giang. HS sau khi tốt nghiệp tại trường đa phần đều có việc làm ổn định, thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng, tức gấp đôi so với những HS bỏ học đi làm sớm dù chỉ mất thêm có 2 - 3 năm học trung cấp nghề. Hiệu quả là vậy nhưng hầu như năm nào Trường Trung cấp nghề DTNT An Giang cũng tuyển sinh thiếu chỉ tiêu. Riêng năm học 2016 - 2017, toàn huyện Tri Tôn chỉ có 6 HS đăng ký học nghề.
Tri Tôn nỗ lực phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS
Cần nhiều đổi mới
Kết thúc năm học 2017 - 2018, huyện Tri Tôn có 1.555 HS được chứng nhận tốt nghiệp THCS, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của 3 trường THPT trên địa bàn khoảng 1.000 em. Huyện Tri Tôn đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp với mục tiêu không để số HS còn lại bỏ học sớm. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, nắm thông tin, thống kê, phân tích số liệu, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng HS tốt nghiệp THCS không đủ điều kiện đậu vào lớp 10 hệ chính quy chuyển sang học các lớp trung cấp nghề. Đồng thời, đề nghị Trường Trung cấp nghề DTNT An Giang có kế hoạch tổ chức hướng nghiệp, xét tuyển, tạo mọi điều kiện để các em vào học nghề.
Từ đầu năm học 2017 - 2018, Phòng GD&ĐT huyện Tri Tôn đã hướng dẫn các trường về nhiệm vụ quản lý chất lượng GD, trong đó có chỉ tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là 73% vào các trường THPT hệ chính quy và 27% vào hệ GDTX hoặc trường nghề.
“Các trường THCS đều có hướng nghiệp cho HS lớp 9 (mỗi tháng 1 tiết), giới thiệu các ngành, nghề địa phương đang có nhu cầu để các em lựa chọn. Nhà trường cũng định hướng phân luồng cho các em sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên hay học nghề theo hướng phù hợp với năng lực, sở thích, sở trường, hoàn cảnh thực tế của mỗi HS. Các trường còn kết hợp với Trường Trung cấp nghề DTNT An Giang khảo sát, nắm thông tin và giới thiệu các ngành, nghề đào tạo để các em tìm hiểu và đăng ký dự học” - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tri Tôn Nguyễn Thanh Tùng thông tin.
Nỗ lực là vậy nhưng thực tế, việc phân luồng vào trường nghề vẫn khó khăn mà theo ông Tùng, nguyên nhân chính là do chương trình hướng nghiệp trong trường áp dụng từ nhiều năm nay với 3 nghề trồng lúa, vi tính và điện dân dụng đã lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Trong khi đó, trang thiết bị phục vụ thực hành nghề tại các trường trung cấp nghề không được cập nhật, nâng cấp, trở nên lạc hậu, học ra trường không áp dụng được vào thực tế. Mặt khác, công tác tuyên truyền phân luồng chủ yếu từ phía nhà trường, các xã, thị trấn chưa quan tâm nên đa số HS sau khi thi rớt lớp 10 hệ chính quy thường nghỉ học, không nghề nghiệp, trở thành gánh nặng của gia đình.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tri Tôn cho rằng, để định hướng nghề nghiệp, nâng cao nhận thức của phụ huynh và HS trong việc chọn lựa học nghề sau tốt nghiệp THCS, đòi hỏi sự chung tay của nhà trường, chính quyền, đoàn thể địa phương cùng sự tích cực tư vấn, giới thiệu của các trường nghề trong tỉnh, giúp phụ huynh và HS hiểu về giá trị học nghề để lựa chọn.
“Các trường THCS cần tư vấn, giới thiệu các nghề truyền thống địa phương, các nghề đang hấp dẫn hiện nay cho HS tham khảo. Các địa phương cần giới thiệu, nêu gương điển hình tiên tiến đã thành công từ việc không cần học đại học, chỉ cần lựa chọn trung cấp nghề nhưng vẫn có việc làm ổn định, thu nhập cao để các em học tập và tự thân lập nghiệp” - ông Tùng chia sẻ.
Toàn huyện Tri Tôn có 14 trường THCS, 3 trường THPT, 1 trường trung cấp nghề, 15 trung tâm học tập cộng đồng. Trong đó, HS dân tộc Khmer chiếm khoảng 33%. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN