Tận dụng lợi thế nông nghiệp
Năm 2019, Tri Tôn đặt chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất (GO, giá so sánh 2010, đối với một số ngành hàng) tăng 5,93% so với năm 2018. Huyện phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình lên 40,8 triệu đồng, có 98% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 97,1% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 86,6% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nỗ lực giảm thêm 4% số hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đến cuối năm 2019 còn khoảng 8,63%). Huyện phấn đấu trong năm 2019 công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại phấn đấu đạt từ 9 - 14 tiêu chí.
Chuyển đổi sản xuất ở vùng trồng lúa kém hiệu quả
Với lợi thế nông nghiệp và tiềm năng đất đai rộng lớn, Tri Tôn quyết tâm đi lên từ nông nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho biết, địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nội ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Huyện tiếp tục mở rộng cả về quy mô, đối tượng, chủng loại giống cây trồng có giá trị cao để sản xuất hàng hóa mang tính đặc trưng và phát huy thế mạnh của địa phương như: vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng dược liệu, cây ăn trái, chuối cấy mô, chăn nuôi theo hướng trang trại, hình thành vùng chuyên canh màu. Đối với các xã ven triền núi, sẽ tập trung công tác xây dựng thủy lợi vùng cao để đáp ứng nhu cầu nước tưới trong mùa khô. Đồng thời, nạo vét kênh mương chống hạn, chủ động phòng, chống nước mặn xâm nhập ở khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang.
Tri Tôn sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện sẽ quy hoạch lại vùng trồng theo hướng chuyển dịch từ lúa sang rau màu và cây ăn trái, cây dược liệu (như: xoài, nhãn, cây có múi, chuối, đậu nành rau, tần dày lá, cây nhàu...), đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa tập trung gắn liền với liên kết trong tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã…
Chú trọng công nghiệp chế biến
Đây là giải pháp nhằm khai thác lợi thế về các nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn huyện Tri Tôn. Bên cạnh thu hút đầu tư nhà máy xay xát, chế biến lúa, gạo, nhà máy sơ chế dược liệu ở các địa phương có lợi thế, Tri Tôn đang hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 cụm công nghiệp Núi Tô, Cô Tô; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng khu vực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cửa khẩu phụ Vĩnh Gia, ưu tiên đầu tư hạ tầng kinh tế ở các lĩnh vực giao thông, du lịch, làng nghề... Ông Phan Văn Sương cho biết, huyện thực hiện công khai các dự án, các khu vực quy hoạch, cung cấp thông tin và hỗ trợ nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư vào các dự án trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng dự án, tạo quỹ đất, có cơ chế chính sách mời gọi đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Cùng với thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, Tri Tôn chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ du lịch, hướng đến xuất khẩu. Huyện đang tập trung vào chương trình phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống như: nghề làm gốm thủ công ở ấp Phnôm Pi (xã Châu Lăng), cốm dẹp (xã Ô Lâm), bánh phồng mì (thị trấn Ba Chúc), đặc sản đường thốt nốt và các sản phẩm từ thốt nốt ở một số địa phương…
Lợi thế của Tri Tôn là đã được đầu tư nhiều hồ chứa nước phục vụ sản xuất vùng cao như: hồ Ô Thum, Soài Check, Soài So, Ô Tà Sóc. Những hồ nước này vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa là những điểm du lịch hấp dẫn khi gắn liền với núi Dài, núi Cô Tô, cách không xa những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của Tri Tôn như: đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc, nhà mồ Ba Chúc… Nhằm tạo thuận lợi cho du khách trải nghiệm, khám phá Tri Tôn, huyện đang xây dựng, quảng bá hình ảnh các khu, điểm du lịch, làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng, những nơi cung cấp các món ẩm thực nổi tiếng… Chỉ cần quét mã QRcode trên các pano quảng bá, du khách sẽ có đầy đủ thông tin, hình ảnh, chỉ dẫn đường đến các địa điểm này. Tri Tôn đang hoàn chỉnh các điểm chợ, đặc biệt là các chợ đầu mối và chợ trung tâm huyện để đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân địa phương cũng như nhu cầu mua sắm của du khách. Theo đó, địa phương sẽ tiến hành di dời một phần chợ Tri Tôn sang Trung tâm thương mại hướng Đông thị trấn Tri Tôn, đưa vào hoạt động chợ Cống Ranh - Lương An Trà, đầu tư hạ tầng cửa khẩu phụ Vĩnh Gia kết hợp trung tâm thương mại biên giới, xã hội hóa đầu tư chợ Ô Lâm, chợ Lương Phi…
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN