Khách mời tham dự Chương trình. (Ảnh: TT)
Phóng viên (PV): Năm 2023 được ghi nhận là một năm nhiều “sóng gió” đối với kinh tế Việt Nam. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã rất nỗ lực, nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,05%, không thể “về đích” 6,0-6,5% như mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả rất đáng khích lệ, là điểm sáng của Việt Nam trước những cơn gió ngược toàn cầu. Vậy ông đánh giá như thế nào về bức tranh tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023?
TS Nguyễn Minh Phong: Có thể thấy, năm 2023 là một năm khó khăn đối với kinh tế thế giới, cũng như đối với Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn trong 3 năm liên tục (2022, 2023, 2024), thì xu hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu liên tục giảm. Và trong bối cảnh đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở cũng chịu ảnh hưởng khá đậm của xu hướng này. Cụ thể , chúng ta không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo mục tiêu. Và đây là năm thứ 3 chúng ta không đạt được kể từ năm 2020 đến nay. Đó là các năm 2020, 2021 và 2023. Trong đó năm 2023 có 5 chỉ tiêu không đạt được. Hơn nữa, năm 2003 là một năm rất khó khăn đối với một số ngành, đặc biệt đó là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ - là những ngành có thể nói là đơn hàng bị giảm rất là mạnh. Có những doanh nghiệp bị giảm tới 60-70%, thậm chí còn khó khăn hơn ở thời kỳ COVID. Thứ nữa là những ngành công nghiệp, trong đó bao gồm cả công nghiệp chế biến và công nghiệp điện tử cũng có sự sụt giảm. Thậm chí là nửa đầu năm có tăng trưởng âm. Ngoài ra, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán cũng gặp rất là nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, chúng ta thấy rằng bên cạnh những khó khăn, thách thức đó, thì Việt Nam vẫn nổi lên như là một điểm sáng của kinh tế thế giới. Đây không phải là chúng ta tự nhận, mà là đánh giá của Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới cũng như nhiều tổ chức quốc tế. Nhìn chung, Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế thế giới. Điều đó được thể hiện qua một số điểm nhấn.
Đó là, ngay cả tăng trưởng GDP, dù không đạt được mục tiêu đạt ra, nhưng chúng ta vẫn đạt được một điều cực kỳ quan trọng đối với tăng trưởng của quốc gia, đó là quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước, liên tiếp trong 4 quý liền. Qua đó khẳng định nội lực, khẳng định tăng trưởng tích cực của một nền kinh tế quốc gia. Bởi vì về nguyên tắc, cứ 3 quý tăng trưởng liên tục là chúng ta đã khẳng định được xu hướng phát triển tốt. Điều này thể hiện nội lực và thể hiện nỗ lực trong chỉ đạo điều hành, thể hiện bản lĩnh "kiên cường vượt các cơn gió ngược" của nền kinh tế.
Thứ hai, Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong khu vực và thế giới trong năm 2023 (gấp 1,68 lần mức chung của thế giới).
Thứ ba, chúng ta có nhiều bứt phá rất tích cực về mặt cơ cấu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tiên chúng ta đạt một đỉnh cao là ngành nông nghiệp cán đích xuất khẩu 54 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Hơn nữa nếu xét tổng thể cả năm thì chúng ta có 2/3 tổng số các mặt hàng xuất khẩu đã đạt những chỉ tiêu tăng trưởng rất là cao.
Nông nghiệp Việt Nam xuất siêu đạt kỷ lục hơn 12 tỷ USD, tăng gần 44% so với năm 2022 và chiếm trên 42,5% xuất siêu của cả nước. Đây là một trong những dấu ấn cực kỳ tích cực. Hơn nữa chúng ta thấy rằng ngay cả xuất khẩu gạo lần đầu tiên Việt Nam đạt “được mùa mà không mất giá”. Tức là vừa đạt được quy mô xuất khẩu lớn nhất, đạt được giá trị xuất khẩu cao nhất và đạt được giá cả xuất khẩu cũng cao nhất. Có thể nói đây là một trong những điểm cao nhất trong suốt thời gian qua về mặt nông sản.
Thứ tư, chúng ta vẫn giữ được hai yếu tố rất quan trọng, đó là tiếp tục tăng trưởng dương trong lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 là 159.294 doanh nghiệp (tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022), lần đầu tiên chạm mức kỷ lục gần 160 nghìn doanh nghiệp. Đây là một chỉ số rất tích cực khi mà khu vực doanh nghiệp còn nhiều thách thức.
Và cuối cùng là năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD (tính đến ngày 20/12/2023), giải ngân đạt 23,18 tỷ USD - mức cao kỉ lục trong giai đoạn 2018 - 2023, tăng 32,1% so với cùng kì, bao gồm tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Tất cả những con số trên cho thấy là nền kinh tế Việt Nam năm qua đạt được kết quả ấn tượng về mặt số lượng và giá trị.
Những tháng cuối năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã mở ra hy vọng khởi sắc từ những tín hiệu phục hồi ở một số ngành, lĩnh vực. (Ảnh minh họa: TL)
PV: Những tháng cuối năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã mở ra hy vọng khởi sắc từ những tín hiệu phục hồi ở một số ngành, lĩnh vực. Ông có thể phân tích rõ hơn những tín hiệu khả quan đó, thưa ông?
TS Nguyễn Minh Phong: Như đã nói, năm 2023 chúng ta gặp rất nhiều thách thức liên quan tới một loạt các thị trường, thị trường xuất khẩu rồi thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Ngay cả thị trường tín dụng cũng đặt ra những vấn đề rất thách thức nhưng càng vào những tháng cuối năm chúng ta càng có những cải thiện rất rõ rệt. Trước hết là công nghiệp, chúng ta thấy rằng có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm làm cho tăng trưởng của ngành này đạt 6,86% trong quý IV và cả năm 2023 đạt 3,02%; trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,97% trong quý IV và 3,62% trong năm 2023.
Thứ hai, về hàng dệt may, da giày những tháng cuối năm hợp đồng đã về và những tháng đầu năm 2024 thì hợp đồng tiếp tục về nhiều hơn nữa, thậm chí đã có những doanh nghiệp có hợp đồng đến giữa năm 2024. Sau đó là các doanh nghiệp có đơn hàng ở thị trường xuất khẩu mới, cũng là gỡ nút thắt cho thị trường xuất khẩu một số hàng dệt may, da giày, đồ gỗ...
Thứ ba, chúng ta cũng đã gỡ được những khó khăn rất áp lực đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường trái phiếu bất động sản với quy mô đáo hạn rất lớn, khi trước đó thị trường bất động sản đã phát hành trái phiếu với quy mô lớn, lãi suất cao, thời hạn lại ngắn. Ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn kỳ hạn trái phiếu. Qua đó, giúp cho các chủ nợ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ của mình, để mà từ đó giúp việc giãn nợ, cơ cấu lại nợ và đồng thời giảm bớt áp lực phá sản hay là vỡ nợ của năm 2023. Và hơn nữa không chỉ chúng ta xử lý được vấn đề đáo hạn, mà các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành thêm trái phiếu thành công cho thấy rằng niềm tin đã quay trở lại.
Thứ tư, là áp lực liên quan tới vấn đề về lãi suất. Chúng ta thấy rằng nếu như những tháng đầu năm các doanh nghiệp rất vất vả trước thực trạng lãi suất huy động thì giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức độ cao thậm chí chiếm trên 10%, thì những tháng cuối năm, bằng nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng đã có sự rốt ráo hơn trong vấn đề về giảm lãi suất và tăng cho vay vốn. Từ đó “bơm” dòng tín dụng ra ngoài xã hội, ra nền kinh tế và giúp cho doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn.
Bên cạnh nữa, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ thì gần như xuất hiện một làn sóng mới các nhà đầu tư nước ngoài FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, chíp điện tử, công nghệ chế tạo đến Việt Nam với những cam kết rõ ràng để đầu tư vào Việt Nam, để biến Việt Nam trở thành một trong những công xưởng mới trong sản xuất chip của thế giới và trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, với tất cả những thành tựu chúng ta đã có và kinh nghiệm đã thu được, cùng với bối cảnh mới khá tích cực thì hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn. (Ảnh: TT)
PV: Bên cạnh những thuận lợi như ông đã phân tích, chắc chắn năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Vậy những khó khăn, thách thức đó là gì thưa ông?
TS Nguyễn Minh Phong: Có thể thấy, các khó khăn của năm 2024 bao gồm cả những khó khăn kéo dài và những khó khăn mới, và cả những khó khăn khách quan và chủ quan cả trong nước và quốc tế. Nhưng tổng hợp lại chúng tôi cho rằng là có ít nhất 5 khó khăn lớn mà chúng ta cần phải đối diện của năm nay.
Thứ nhất, đó là những áp lực quốc tế liên quan tới những căng thẳng địa chính trị kéo dài trong vài năm qua. Và điều này còn gắn thêm xu hướng mới rất là nguy hiểm. Nó hình thành hai nhóm thị trường. Nó gọi là xung đột và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Và Việt Nam phải xử lý rất khéo léo trong bối cảnh đó để có thể khai thác được thị trường của tất cả các bên. Đây là một trong những thách thức đòi hỏi nỗ lực điều hành ngoại giao, cũng như các điều hành khác.
Thứ hai, là nó gắn liền với áp lực về vấn đề lạm phát và nợ xấu. Năm nay Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực lạm phát. Do gắn liền với xu hướng lạm phát trên thế giới vẫn còn khá cao, gắn liền với xu hướng nới lỏng tài chính tiền tệ của Việt Nam. Thêm nữa, là gắn liền với xu hướng tăng chi phí của một số lĩnh vực mặt hàng nhập khẩu đầu vào hoặc là tăng phí dịch vụ công. Tất cả điều đó nó có thể tăng áp lực lạm phát. Và khi áp lực lạm phát tăng lên thì sẽ tạo ra một sức nén khiến cho các chính sách tiền tệ phải điều chỉnh và từ đó làm cản trở tới tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, khó khăn của doanh nghiệp. Điều này đã bộc lộ qua con số thống kê mới nhất. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có hơn 20.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63.000 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có gần 31.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Qua đó cho thấy mức độ khó khăn hơn của doanh nghiệp. Tất nhiên chúng tôi đánh giá rằng, một phần vì gắn với dịp Tết. Một số doanh nghiệp họ gặp khó khăn về tài chính thì họ dừng hoạt động để giảm bớt áp lực về mặt thưởng Tết hoặc là chi phí ngày Tết. Đây có lẽ là một động tác kỹ thuật. Nhưng mà rõ ràng với 2 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường như vậy cho thấy là chúng ta đang gặp áp lực ở cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù năm ngoái con số rất tích cực nhưng hy vọng là những tháng cuối năm nó sẽ có sự điều chỉnh.
Thứ tư, áp lực nữa của năm nay đó chính là liên quan về vấn đề về thiên tai, dịch bệnh và kể cả sức mua của các nước trên thế giới. Trong đó đặc biệt năm nay là những đầu tàu lớn của thế giới đang có sự tăng trưởng kém ví dụ như là Anh, Pháp, Đức, Nhật… thậm chí khả năng là tăng trưởng âm.
Và cuối cùng là tình trạng về thể chế vẫn đang là một trong những rào cản. Chúng ta mới ra được Luật, nhưng còn chờ hiệu lực, còn chờ các các văn bản dưới Luật hướng dẫn, đặc biệt là chất lượng của bộ máy công chức. Trong bối cảnh khi chúng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì việc mà tìm kiếm những cán bộ năng lực là rất quan trọng; đồng thời là thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm cũng quan trọng. Trong khi "lò chống tham nhũng" thì "cháy rực", thể chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm thì chưa định hình một cách chắc chắn, rõ ràng, cụ thể, minh bạch khiến cho ít nhiều tinh thần gọi là "né", lẩn trách nhiệm của một bộ phận cán bộ vẫn đang còn khá đậm. Và điều này ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình giải ngân đầu tư công, quá trình tháo gỡ những nút thắt thể chế cho doanh nghiệp cũng như những giải pháp khác.
Tóm lại, những khó khăn năm 2024 còn khá nhiều. Nhưng chúng tôi tin rằng với tất cả những nỗ lực của hệ thống chính trị, với tất cả những thành tựu chúng ta đã có và kinh nghiệm đã thu được, cùng với bối cảnh mới khá tích cực thì hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn, và năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023.
Nhiều động lực giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm nay. (Ảnh minh họa: TL)
PV: Năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 nên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường này. Theo ông, đâu là các động lực chính giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm nay?
TS Nguyễn Minh Phong: Có thể nói là năm 2024, nếu nhìn một cách tổng thể thì Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023. Điều này được quy định bởi loạt các nhân tố. Tôi cho rằng, động lực quan trọng nhất cũng như là một trong những nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam đạt được sự tăng trưởng tích cực năm 2024 đó chính là nền kinh tế đã có cả một quá trình tích lũy đạt được những thành tựu của đổi mới và hội nhập, nhất là chúng ta có một nền tảng tăng trưởng khá tích cực của năm 2023. Như đã nói ở trên, tất cả những điều đó tạo đà tăng trưởng, tạo niềm tin và là nhân tố mới để tạo ra sự tăng trưởng của năm 2024.
Động lực thứ hai, năm 2024 là năm chúng ta sẽ được cộng hưởng những tác động tích cực của các thế chế, đặc biệt là việc thông qua hàng loạt các luật rất quan trọng và cơ bản như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi)… cộng với một loạt những nỗ lực khác liên quan đến cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có được hiệu ứng rất tích cực cho năm 2024 và nó tạo động lực chung cho tăng trưởng kinh tế cũng như là tạo ra những thúc đẩy mạnh mẽ của nền kinh tế.
Động lực thứ ba, rất quan trọng đó là vấn đề về giải ngân đầu tư công. Có thể nói là năm nay chúng ta vẫn tiếp tục có một lượng vốn đầu tư công rất lớn và Chính phủ cũng tiếp tục đặt ra mục tiêu là giải ngân ít nhất là 95%. Đầu tư công năm nay có nhiều thuận lợi ở chỗ là nếu như 2 năm trước chúng ta phải vừa chạy và xếp hàng tức là lập dự án để thẩm định, điều chỉnh quy hoạch và chờ đợi sự hoàn thiện thể chế thì năm 2024 có thể nói là năm tăng tốc của đầu tư công. Một loạt các nút thắt thể chế đã được gỡ và một loạt những quy định mới thuận lợi cũng như là những khó khăn đã lùi phía sau, thì năm nay chắc chắn đầu tư công sẽ có sự đột phá để từ đó tạo ra động lực bổ sung tích cực cho nền kinh tế 2024.
Thêm nữa, năm 2024 sẽ nhận được những động lực tích cực từ một loạt cải cách cơ cấu kinh tế, nhất là từ việc tăng trưởng của FDI, bao gồm những sản phẩm mới của FDI, ví dụ như Samsung hay là sự phát triển của những ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn. Đây là một năm chúng ta sẽ đạt được dấu ấn mới trong phát triển công nghiệp chế tạo theo nghĩa là gia tăng hàm lượng giá trị, hàm lượng chế biến.
Ngành nông nghiệp tiếp tục nhận được những động lực tích cực bởi vì là xu hướng thế giới năm nay vẫn là năm rất lợi cho nông nghiệp. Việt Nam đã ghi dấu ấn rất tích cực của nông nghiệp năm ngoái rồi, thì năm nay chúng ta tiếp tục đà đó.
Và một điểm nữa rất quan trọng, đó là đầu năm, nhận được những tín hiệu tích cực từ việc phục hồi thị trường bất động sản với những điểm nhấn bao gồm sự phục hồi về thị trường bất động sản gắn với phân khúc nhà ở xã hội. Có thể nói, tất cả các địa phương, các bộ, ngành đều rất quyết liệt trong việc triển khai dự án này. Do đó, nó tạo ra rất nhiều những xung lực mới gắn với phân khúc nhà ở xã hội, từ đó tạo ra tích cực trên thị trường bất động sản. Thứ hai nữa là, phân khúc bất động sản công nghiệp cũng rất sáng, nó gắn liền với việc chúng ta lập mới một loạt những khu công nghiệp cộng với dòng vốn FDI vào, cộng với xu hướng thành lập doanh nghiệp, từ đó tạo ra một nhu cầu bất động sản công nghiệp rất lớn, giá đang tăng lên và những "con đại bàng đang bay vào". Thứ ba nữa là những động lực liên quan tới vấn đề về gọi là tháo gỡ những khó khăn trên các thị trường vốn, cũng rất là rõ rệt. Chắc chắn năm nay lãi suất tiếp tục giảm, lãi suất cho vay cộng với các quá trình thương lượng nợ sẽ có sự thuận lợi, tạo ra những động lực cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ở góc độ thế giới, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc… cũng sẽ có những sự tăng trưởng khá tích cực. Do đó, chúng tôi cho rằng là với một nền kinh tế mở, phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam thì với sự phục hồi của một số thị trường xuất khẩu chính, thì chắc chắn Việt Nam cũng sẽ nhận thêm những xung lực tích cực từ quá trình gia tăng xuất khẩu này. Những tháng đầu năm 2024 đang cho thấy điều đó, nó thể hiện rất rõ ở các con số xuất khẩu của các ngành, các lĩnh vực. Trong 02 tháng đầu năm 2024, hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng; có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy xuất khẩu sẽ là một trong những động lực rất mạnh mẽ của năm nay.
Một nguồn lực nữa cũng rất quan trọng đó chính là sự phục hồi của dòng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam trên cơ sở Việt Nam đang có những cải thiện rất tích cực liên quan tới môi trường, thể chế du lịch; để từ đó khuyến khích những thị trường tiềm năng. Thêm nữa liên quan đến phục hồi tiêu dùng của thị trường trong nước. Thị trường trong nước cũng là một trong những thị trường tạo ra động lực tăng trưởng tích cực cho Việt Nam.
Nhìn chung lại, có thể nói động lực quan trọng nhất chính là kết quả tăng trưởng tích tụ lại, cộng với sự phát triển thể chế, cùng với đó các nguồn vốn kể cả FDI, đầu tư công, khu vực doanh nghiệp, cũng như các nguồn vốn từ ngân hàng sẽ có một sự dồn dập hơn, cộng hưởng vào nhau, tạo ra lực đẩy rất mạnh cho kinh tế của năm nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nhóm PV (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)