Ra mắt quyển thư pháp khổ lớn về Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu tại Bến Tre
Tại kỳ họp lần thứ 41 của Ðại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris, Pháp, đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022-2023. Tỉnh Bến Tre đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hướng đến lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu (1/7/1822).
Nhà thơ lớn, nhà văn hóa tiêu biểu của Việt Nam
Nguyễn Ðình Chiểu, tên thường gọi là Ðồ Chiểu, tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ (sau khi bị mù lấy hiệu là Hối Trai); sinh ngày 1/7/1822 (tức ngày 13/5 năm Nhâm Ngọ), tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Ðịnh (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Xuất thân trong một gia đình nhà nho, thân sinh là Nguyễn Ðình Huy, người làng Bồ Ðiền, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Phong An, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế); mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Ðịnh. Ngày 3/7/1888 (tức ngày 24/5 năm Mậu Tý) Nguyễn Ðình Chiểu qua đời trong một căn nhà nhỏ tại làng An Bình Ðông (gần chợ Ba Tri, thuộc thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ngày nay), thọ 66 tuổi. Nhân dân, bạn bè, học trò và con cháu đưa tang ông rất đông, khăn tang trắng cả cánh đồng An Bình Ðông (nay là An Ðức, huyện Ba Tri)-nơi ông yên nghỉ cuối cùng.
Nguyễn Ðình Chiểu đã để lại cho hậu thế khối lượng thơ văn khá lớn và giá trị với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, chủ yếu bằng chữ Nôm. Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, sáng tác của Nguyễn Ðình Chiểu thiên về thể loại truyện thơ truyền thống, xoay quanh đề tài đạo đức xã hội, nổi tiếng nhất là truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu. Sau khi thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Ðình Chiểu viết một loạt tác phẩm nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu hy sinh của nhân dân và biểu dương những tấm gương anh hùng, nghĩa sĩ: Chạy giặc (1859), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), Văn tế Trương Ðịnh (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (Phan Ngọc Tòng, Phan Công Tòng) (1867), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, ngoài ra còn Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột), Thư gửi cho em và một số bài thơ Ðường luật khác như Ngựa Tiêu sương, Từ biệt cố nhân, Tự thuật… Từ sau khi Nam Kỳ hoàn toàn rơi vào tay giặc, Nguyễn Ðình Chiểu còn viết một truyện thơ Nôm dài dưới hình thức hỏi đáp về y học là Ngư Tiều y thuật vấn đáp.
Nguyễn Ðình Chiểu còn là một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Triết lý văn hóa của ông là triết lý nhân sinh của một nhà văn hóa lớn, thể hiện sinh động qua các nhân vật trong các truyện thơ như: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu,… Tư tưởng của Nguyễn Ðình Chiểu đã vượt qua tư tưởng Tống Nho chính thống, triết lý Nho giáo của ông đang trên quá trình Việt hóa - bình dân hóa một cách sâu sắc như trung, hiếu, tiết, nghĩa theo triết lý sống của người Nam Bộ, người Việt Nam: "Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình",… Tầm vóc lớn lao của nhà văn hóa lớn hiển hiện trong cuộc đời và sáng tác văn chương, văn hóa của Nguyễn Ðình Chiểu luôn vượt qua số phận nghiệt ngã của cá nhân, số phận đau thương của đất nước, tỏa sáng gần hai trăm năm qua.
Kiệt tác Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm của Nguyễn Ðình Chiểu với 2.082 câu thơ lục bát được sáng tác khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ 19, khi ông bắt đầu sáng tác văn thơ. Truyện thơ Lục Vân Tiên được Nguyễn Ðình Chiểu mô tả về số phận chàng Lục Vân Tiên có những điểm tương đồng với Ðồ Chiểu: bỏ dở thi cử về quê chịu tang mẹ rồi bị bệnh và mù cả hai mắt. Vân Tiên sau đó còn bị sĩ tử đố kỵ hãm hại, hết đẩy xuống sông lại bị bỏ vào hang sâu trong rừng. Trong rừng sâu, Lục Vân Tiên may mắn được sĩ tử Hớn Minh cứu giúp, được cho thuốc nên mắt sáng lại. Ðến khoa thi, Lục Vân Tiên đỗ Trạng nguyên, được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Trên đường thắng giặc trở về, chàng gặp lại Kiều Nguyệt Nga - người từng được chàng cứu giúp và nguyện gắn bó suốt đời. Trở về kinh, Lục Vân Tiên tâu hết sự tình với nhà vua, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga hạnh phúc, sum vầy.
Kiệt tác Lục Vân Tiên của Nguyễn Ðình Chiểu đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa văn hóa của nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Và Lục Vân Tiên cũng là cơ sở quan trọng để UNESCO khẳng định và thông qua danh sách những danh nhân văn hóa được vinh danh trong năm 2022. Với truyện thơ Lục Vân Tiên và toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Ðình Chiểu nói chung, ông được các thế hệ tôn vinh là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Lý tưởng thẩm mỹ trong các nhân vật anh hùng đã nêu bật một lối sống có văn hóa và khí phách anh hùng đặc trưng bản sắc Việt Nam.
Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Ðình Chiểu tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Người thầy giáo, thầy thuốc mẫu mực
Sau biến cố của cuộc đời, Nguyễn Ðình Chiểu mở trường dạy học và bốc thuốc. Thầy giáo Nguyễn Ðình Chiểu được gọi là Ðồ Chiểu từ đó. Nguyễn Ðình Chiểu ba lần di chuyển nơi ở: quê mẹ huyện Bình Dương, tỉnh Gia Ðịnh (nay là quận 1, thành phố Hồ Chí Minh); quê vợ huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Ðịnh (nay là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) và Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Vì thế, trường học của người thầy giáo Nguyễn Ðình Chiểu cũng thay đổi ba lần. Học trò của ông ở chung quanh và đến từ các vùng quê xa. Cũng như các nhà nho thời đó, Nguyễn Ðình Chiểu sử dụng nhà mình làm trường học. Theo bà Mai Huỳnh Hoa (1910-1987), cháu cố (chắt ngoại) của Nguyễn Ðình Chiểu viết năm 1935 trên báo Tân Văn: "Học trò ước có hai trăm người, ngồi ra hai hàng tả hữu nghe giảng. Tiên sinh mắt đã mù, không còn xem sách được, nhưng mỗi bữa hỏi học trò tới đoạn nào, thì tiên sinh giảng đoạn ấy, như ngó thấy sách, vì tiên sinh thuộc lòng các sách".
Ngoài việc dạy học, sáng tác thơ văn, Nguyễn Ðình Chiểu còn nghiên cứu thêm nghề làm thuốc và bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Nếu nói đến những danh y xuyên suốt lịch sử của Việt Nam từ xưa đến nay không chỉ nổi danh bởi tài năng y học, chữa bệnh cứu người mà còn được biết đến như những nhà văn, nhà thơ, chiến sĩ cách mạng, luôn đau đáu vì vận nước, vì nhân dân thì Nguyễn Ðình Chiểu xếp ở vị trí thứ ba chỉ sau Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác).
Tôn vinh Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu
Với những cống hiến trên lĩnh vực giáo dục, y đức, đặc biệt là những tác phẩm văn thơ đồ sộ và nhân cách sống, ông đã được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài đánh giá cao. Ông không chỉ có sự nghiệp văn chương mà cả sự nghiệp văn hóa, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn với một nhân cách văn hóa lớn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù đang trong thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông vào những năm tròn, vừa là để tưởng nhớ đến nhà thơ lớn vừa là thông qua hình ảnh của ông, sự nghiệp văn chương của ông để tuyên truyền, giáo dục, khích lệ tinh thần nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Từ trước đến nay, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm của Nguyễn Ðình Chiểu, nhất là truyện Lục Vân Tiên luôn được thực hiện thường xuyên, đặc biệt từ năm 1992 đến nay, tỉnh Bến Tre lấy ngày sinh và ngày mất của ông (ngày 1/7 và ngày 3/7) làm ngày truyền thống văn hóa của tỉnh.
Với tài năng, đức độ và những đóng góp của Nguyễn Ðình Chiểu, cũng như lòng tôn kính của nhân dân, nhân kỷ niệm 195 năm Ngày sinh của ông (1/7/1822 - 1/7/2017), Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Ðình Chiểu là di tích cấp quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2499/QÐ-TTg ngày 22/12/2016).
Kỳ họp lần thứ 41 của Ðại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris, Pháp, đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.
UNESCO khẳng định: "Nguyễn Ðình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời". Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ, trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Ðiều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Ðình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Ðông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả ba lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Ðình Chiểu: Thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang phối hợp các ban, bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu vào đầu tháng 7/2022.
Theo Báo Nhân Dân