Phá băng nhóm lừa đảo sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép
Đối tượng Phó Đức Nam. Ảnh: TTXVN phát
Công an thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá băng nhóm lừa đảo thông qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Đức Nam (sinh năm 1994; hộ khẩu thường trú: Tổ 8, Khu phố 5, phường 8, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu.
Theo điều tra, từ năm 2021, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (hộ khẩu thường trú: Căn hộ 2906, Tòa S2 khu nhà dịch vụ văn phòng, số 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên kết một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có Văn phòng điều hành tại khu Morgan Tower, thành phố Phnom Penh, Campuchia và chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” đặt trụ sở tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Trong đó, có Công ty Trách nhiệm hữu hạn ARTEX VINA (trụ sở: phòng 1206, Citilight Tower, số 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) có khoảng 44 văn phòng đại diện tại Việt Nam (có 24 văn phòng làm việc tại Hà Nội).
Đối tượng Lê Khắc Ngọ. Ảnh: TTXVN phát
Mặc dù Công ty không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh. Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang web (gồm: Alpha.com, Gtmx.com, Btfx.com, Enzofx.com, Gkfx.com) có giao diện tiếng Anh để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín nhưng thực chất các trang web này đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng quản lý. Mỗi sàn giao dịch này đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.
Đồng thời, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cũng chỉ đạo Đào Diệu Thúy (sinh năm 1997; hộ khẩu thường trú: Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh) và Trần Thị Cẩm Tú (sinh năm 1996; hộ khẩu thường trú: Cẩm Xuyên, Cảm Xuyên, Hà Tĩnh) tuyển dụng nhân viên vào làm việc tại Công ty và phân cấp quản lý thành nhiều bộ phận (như: Kế toán, nhân sự, bộ phận IT, bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng...). Các bộ phận này chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động độc lập, hỗ trợ trợ lẫn nhau để tiếp xúc với khách hàng thông qua một số nền tảng mạng xã hội như: Zoiper, Zalo, Telegram... cung cấp thông tin sai sự thật từ đó tạo sự tin tưởng cho khách hàng để chuyển tiền vào tài khoản, ví điện tử gắn với sàn giao dịch nhằm mục đích thực hiện giao dịch ngoại hối, chứng khoán phát sinh kiếm lợi nhuận.
Ban đầu, các đối tượng hướng dẫn khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền ít, “có lãi” và rút tiền được; sau đó, sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để dụ dỗ, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch. Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (tức “cháy” tài khoản) thì các đối tượng tiếp tục cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng có niềm tin tiếp tục chuyển thêm tiền để “gỡ vốn”, cứ như vậy cho đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.
Cơ quan đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 25/10/2024, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ Công an và các đơn vị liên quan tiến hành triệt phá băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia này. Đến nay, Công an thành phố đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc và thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng. Bao gồm: 316 tỷ tiền trong tài khoản; trái phiếu trị giá 9 tỉ đồng; sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng và 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang, đắt tiền; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương... Đồng thời, lực lượng chức năng cũng phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.
Căn cứ tài liệu thu thập được, từ ngày 30/10/2024 đến ngày 15/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã ra các Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Không tố giác tội phạm”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và khởi tố bị can đối với 31 đối tượng (26 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 bị can về tội “Rửa tiền”, 1 bị can về tội “Không tố giác tội phạm”, 1 bị can về tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”) và ra Quyết định truy nã quốc tế đối với Lê Khắc Ngọ.
Khởi tố 33 đối tượng lừa đảo bằng các nền tảng ứng dụng
Các đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 33 đối tượng về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ án do Hồ Bích Ngọc (sinh năm 1996; trú tại số 8 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu.
Theo điều tra, từ năm 2020 đến nay, Hồ Bích Ngọc liên hệ với 1 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) để được cung cấp thông tin 3 sàn giao dịch ngoại hối kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối phổ biến trên thế giới. Sau đó, Ngọc đăng ký thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Tư vấn đầu tư Master Group (trụ sở chính: Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) để làm “bình phong” và mở 3 văn phòng trên địa bàn Hà Nội. Công ty không đăng ký hoạt động trên lĩnh vực tài chính chứng khoán nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Các đối tượng tuyển dụng và phân công, phân cấp quản lý nhân viên theo các bộ phận: Quản lý, kế toán, hỗ trợ, trưởng nhóm và các nhân viên sale. Các nhân viên sale chủ động tìm các khách hàng có tiềm năng về tài chính, chủ yếu trong các nhóm đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngoại hối lớn trên các mạng xã hội Facebook, Zalo,… Sau đó tiếp cận, lồng ghép các thông tin sai sự thật giới thiệu về thị trường tài chính vĩ mô, giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh; giới thiệu các “chuyên gia” về giao dịch (thực tế đều không có kiến thức về tài chính) để hướng dẫn, tư vấn thôi thúc khách hàng đầu tư, kiếm lợi nhuận.
Các đối tượng đưa ra nhận định về thị trường ngoại hối không có kiểm chứng, tư vấn khách hàng đặt nhiều lệnh với mức độ rủi ro cao. Khi khách hàng thua lỗ, các đối tượng sẽ củng cố tinh thần, niềm tin cho khách hàng để tiếp tục nạp thêm tiền để gỡ vốn và kiếm lợi nhuận. Cho đến khi khách hàng không còn khả năng nạp tiền, các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã xác định được 22 bị hại sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh; tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 30 tỷ đồng. Quá trình điều tra vụ án, Công an Thành phố đã tạm giữ của các đối tượng 4 xe ô tô các loại, 85 điện thoại di động, 30 máy tính và hơn 3,3 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo MẠNH KHÁNH (Báo Tin Tức)