Triều Tiên hối thúc Mỹ thực thi thỏa thuận của hội nghị Singapore

12/11/2019 - 09:21

Ông Kim Song nêu rõ phía Triều Tiên đã chủ động nỗ lực để xây dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, theo ông, việc thực thi thỏa thuận Singapore là điểm "mấu chốt" để củng cố hòa bình.

Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc, ông Kim Song ngày 11-11 đã hối thúc Mỹ thực thi thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh hai nước ít đạt tiến bộ trong quan hệ là do "những khiêu khích quân sự và chính trị" từ phía Washington.

Theo hãng tin AP, ông Kim Song đưa ra những ý kiến chỉ trích tại một cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Đại sứ Triều Tiên cho rằng IAEA "phớt lờ thực tế trên Bán đảo Triều Tiên." Ông khẳng định tình hình trên bán đảo này vẫn chưa thoát khoải vòng căng thẳng nghiêm trọng, và "đây là hậu quả của những hành động khiêu khích quân sự và chính trị của Mỹ."

Ông Kim Song cũng nêu rõ phía Triều Tiên đã chủ động nỗ lực để xây dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Theo ông, việc thực thi thỏa thuận Singapore là điểm "mấu chốt" để củng cố hòa bình và an ninh.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức ở Singapore tháng 6/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí cùng hợp tác hướng tới hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy những đảm bảo an ninh từ phía Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí xây dựng quan hệ mới giữa hai bên và xây dựng một chế độ hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên, tiến trình diễn ra chậm do những bất đồng về mức độ Triều Tiền phi hạt nhân hóa để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt và những nhượng bộ khác của Mỹ.

Mới đây, hai nước đã tiến hành cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Thụy Sĩ, song không đạt thỏa thuận nào. Triều Tiên cảnh báo sẽ chỉ chờ đến cuối năm nay để phía Mỹ đưa ra một đề xuất có thể chấp nhận được.

Theo LAN PHƯƠNG (Vietnam+)