Lưu học sinh một số nước ASEAN đang theo học tại Thái Nguyên tham quan và trải nghiệm nghề đan lát. Ảnh: Quân Trang/TTXVN
Dự Trưng bày có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các sở, ngành cùng đông đảo học sinh, sinh viên một số nước ASEAN đang nghiên cứu, học tập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trưng bày gồm gần 150 bức ảnh giới thiệu về lịch sử hình thành và xu hướng phát triển gắn với nguồn nguyên liệu tự nhiên để bảo vệ môi trường của thủ công mỹ nghệ ASEAN trong nghề dệt vải và nghề thủ công đan lát. Bên cạnh không gian trưng bày còn diễn ra một số hoạt động trải nghiệm thực tế như: vẽ Batic, in hoa văn trên vải bằng sáp ong, thêu hoa văn trên vải, đan lát mũ rơm và các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày,…
Các lưu học sinh quốc tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trải nghiệm thêu hoa văn trên vải. Ảnh: Quân Trang/TTXVN
Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam cho biết, Trưng bày chuyên đề là một trong những hoạt động thường xuyên của Bảo tàng, nhằm tạo sự đổi mới, hấp dẫn đối với công chúng tham quan. Bảo tàng đã giới thiệu nhiều chuyên đề với nội dung phong phú, đa dạng, góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, giáo dục công chúng.
Dịp này, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đã khai trương ứng dụng phần mềm thuyết minh trưng bày nhằm cung cấp cho khách tham quan một phương thức tiếp cận mới trong quá trình khám phá văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của các bảo tàng trong nước và quốc tế hiện nay đối với việc ứng dụng công nghệ. Với mô hình này, du khách có thể chủ động và dễ dàng truy cập để tìm hiểu nội dung thuyết minh theo lộ trình tham quan các khu vực trong nhà và ngoài trời của Bảo tàng.
Các đại biểu tham quan trưng bày. Ảnh: Quân Trang/TTXVN
Bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, việc Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam vận hành ứng dụng thuyết minh số đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống Bảo tàng trong việc thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ mới, từ đó tạo ra các triển lãm kỹ thuật số, cải thiện nhu cầu tham quan của du khách. Điều này cũng góp phần bảo vệ và lưu trữ các bộ sưu tập, giúp giảm chi phí tổ chức và mở rộng khả năng tiếp cận của công chúng đến với bảo tàng.
Thủ công mỹ nghệ là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân ASEAN, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa nghệ nhân với nghệ sĩ sáng tạo, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, góp phần đảm bảo sinh kế cho nghệ nhân cũng như cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương, các quốc gia thành viên ASEAN.
Theo TTXVN