Trung tâm thương mại Đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch -Nông nghiệp chính thức khởi công

28/12/2022 - 15:55

 - Sau hơn 10 năm ấp ủ, tâm huyết hình thành trung tâm thương mại và khu đặc sản vùng miền với nhiều nét riêng đặc sắc, đến nay dự án do Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc làm chủ đầu tư dần hình thành, sẽ khởi công ngày 30/12/2022, tại đường Nguyễn Tri Phương, phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc).

Phối cảnh dự án trung tâm

Tâm huyết của nhà đầu tư

Là siêu thị lớn nhất vùng biên Châu Đốc, đến nay, Siêu thị Tứ Sơn trải qua 37 năm hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ. Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, không nơi nào có tiềm năng khách xu hướng tăng hàng năm như Châu Đốc - An Giang. Ngoài miếu Bà Chúa xứ núi Sam, An Giang là tỉnh đa sắc tộc, đa tôn giáo, vì thế lễ, Tết diễn ra quanh năm, kéo theo lượng người về rất đông, thậm chí có sự kiện An Giang thu hút gần 10.000 lượt người.

Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh và TP. Châu Đốc đều xem thương mại, dịch vụ là đột phá trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Mà theo xu thế, hễ nơi nào có dòng người đến đông là nơi đó có điều kiện cực kỳ tuyệt vời để phát triển thương mại, dịch vụ. Tôi tâm huyết hình thành dự án này để du khách đến với An Giang - Châu Đốc có nơi trải nghiệm, tham quan, mua sắm đúng nghĩa, xứng tầm với vùng đất và lợi thế trên”.

Ông Sơn ấp ủ xây dựng khu đặc sản vùng miền, khai thác hàng hóa các vùng miền và hình thành khu vực chuyên khai thác sản phẩm, vật phẩm dâng lễ cúng Bà tại TP. Châu Đốc, phục vụ khách tham quan. Đến năm 2030, đơn vị hình thành trung tâm thương mại, trung tâm tổ chức sự kiện và dịch vụ nhà hàng, lưu trú nằm ở vị trí ngay trung tâm TP. Châu Đốc.

 “Mục đích dự án là xây dựng siêu thị tổng hợp, trong đó có khu vực đặc sản vùng miền các tỉnh, thành phố. Xuyên suốt gần 10 năm, chúng tôi đi từ Nam ra Bắc tìm kiếm, góp nhặt những sản phẩm mang tính đặc trưng, vùng miền của trên 30 địa phương đem về trưng bày và giới thiệu tại siêu thị. Điều đó tương ứng với trên 30 Sở Công Thương tỉnh, thành phố làm đầu mối quan hệ với Siêu thị Tứ Sơn, đưa sản phẩm về bày bán tại siêu thị”.

Bên cạnh đó, Tứ Sơn sẽ hình thành phố hàng rong, tạo sắc màu đa dạng cho khách đến tham quan, trải nghiệm món ăn dân dã, đời thường, mang tính truyền thống vùng miền. Đặc biệt, hình thành Khu ẩm thực Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Tứ Sơn duy trì trồng, bán rau củ quả, lá, kiểng vừa để người tiêu dùng trang trí, vừa làm thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn gia đình. Đồng thời, trung tâm mở đa ngành nghề, cho một số đơn vị thuê mặt bằng, tăng không gian mua sắm phong phú. Bên cạnh đó, bố trí khu tổ chức sự kiện, thực hiện “Phiên chợ cuối tuần” để doanh nghiệp tỉnh, thành phố trực tiếp quảng bá hình ảnh, tiếp cận người tiêu dùng.

Sự cần thiết đầu tư

Từ tâm huyết đó, sau khi trình dự án, ngày 29/6/2016, DNTN Tứ Sơn (nay là Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc) được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án “Trung tâm nông nghiệp và Đặc sản các vùng miền Việt Nam”. Doanh nghiệp đã giải phóng 100% hiện trạng mặt bằng; xây dựng 2 nhà màng nông nghiệp (500m2), trồng cây xanh tạo bóng mát cùng với tiểu cảnh (8.000m2), trồng cây ăn trái (6.000m2), tạo hệ thống mương nước thả cá (2.000m2).

Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị nhận thấy thế mạnh là hoạt động thương mại bán lẻ phục vụ người tiêu dùng địa phương và khách tham quan đến An Giang. Với kinh nghiệm, năng lực tài chính, nhân sự, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để phát triển sang lĩnh vực dịch vụ, thương mại bền vững trong tương lai. Do đó, UBND tỉnh đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư, đổi tên thành Dự án đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp.

Dự án phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023), xây dựng hạng mục: Khu đặc sản vùng miền; khu văn phòng quản lý - dịch vụ nhà hàng; khu cửa hàng sản phẩm dịch vụ du lịch... Giai đoạn 2, hội trường sẽ được triển khai vào năm 2024. Công trình được xây dựng trên khuôn viên hơn 20.000m2, bao gồm các khu chức năng: Khu đặc sản vùng miền (5.600m2), khu văn phòng quản lý - dịch vụ nhà hàng - hội trường (3.770m2), khu cửa hàng sản phẩm dịch vụ du lịch (1.150m2)... Tổng nguồn vốn đầu tư hơn 66 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 54,4 tỷ đồng.

Ông Tạ Minh Sơn chia sẻ: “20 năm trước, ngày 30/12/2002, Siêu thị Tứ Sơn ra đời với quy mô rất nhỏ. Ngày 30/12/2022, chúng tôi khởi công trung tâm thương mại hoàn toàn mới, quy mô chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, đáp ứng trải nghiệm không gian mua sắm của khách hàng, xứng tầm khu du lịch quốc gia”.

Thời gian qua, Tứ Sơn luôn đồng hành, kết nối giao thương và tìm kiếm sản phẩm đặc trưng của mọi miền đất nước, mang theo lòng tin về sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được tiêu thụ tốt trên địa bàn An Giang, phục vụ khách du lịch cả nước. Ước mơ thành hiện thực, Siêu thị Tứ Sơn hình thành khu trưng bày sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của nhiều tỉnh, thành phố, được du khách đánh giá rất cao.  

Mỗi năm, TP. Châu Đốc đón 4-6 triệu lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan du lịch. Đây là lợi thế rất lớn, khó nơi nào có được. Công trình đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp mang nhiều ý nghĩa to lớn, góp phần nâng cao giá trị cho đặc sản vùng miền An Giang và các tỉnh, thành phố. Càng ý nghĩa hơn, trung tâm kỳ vọng sẽ giúp An Giang quảng bá hình ảnh, giao thương rộng rãi đặc sản vùng miền trong nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích